Tổng linh kiện iPhone 14 Pro Max trị giá hơn 500 USD

Mặc dù chi phí sản xuất iPhone tăng cao và sử dụng những linh kiện phần cứng đắt đỏ, Apple vẫn không tăng giá smartphone của mình.

 Apple chuyển sang chiến lược trang bị linh kiện mạnh mẽ để nổi bật trên thị trường. Ảnh: Slashgear.

Apple chuyển sang chiến lược trang bị linh kiện mạnh mẽ để nổi bật trên thị trường. Ảnh: Slashgear.

Sau khi “mổ bụng” iPhone 14, Nikkei Asia phát hiện chi phí linh kiện của dòng flagship này đã tăng 20% so với năm ngoái. Điều này thể hiện chiến lược tập trung vào công nghệ phần cứng tân tiến thay vì phát triển tính năng mới như các hãng công nghệ khác, trang tin nhận định.

Lợi nhuận giảm vì chi phí sản xuất tăng

Theo Nikkei Asia, chi phí sản xuất smartphone mới của Apple tăng cao do gặp vấn đề về chuỗi cung ứng. Nhưng hãng công nghệ lại không tăng giá iPhone 14 ở thị trường Mỹ và một số quốc gia khác. Điều này đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận của tập đoàn sẽ giảm sút so với các sản phẩm trước.

“Vì không thể cạnh tranh với các đối thủ khác về tính năng mới, Apple đành phải chuyển sang chiến lược sử dụng các linh kiện mạnh mẽ để nổi bật trên thị trường”, Minatake Kashio tại công ty phân tích Fomalhaut Techno Solutions cho biết.

Do đó, theo ước tính của Fomalhaut, toàn bộ linh kiện bên trong iPhone 14 Pro Max có giá 501 USD, tăng 60 USD so với thế hệ trước. Đây là mức tăng chi phí sản xuất cao nhất từ trước đến nay của Táo khuyết. Từ năm 2018, tổng giá trị linh kiện của dòng Max cao cấp dao động trong khoảng 400-450 USD, cao hơn 50 USD so với dòng tiêu chuẩn.

Các linh kiện bên trong iPhone 14 năm nay tăng giá so với năm ngoái. Ảnh: Kosuke Imamura.

Theo Nikkei Asia, ở Mỹ, iPhone 14 Pro Max 64 GB được bán với giá 1.099 USD, không tăng so với chiếc XS Max, smartphone cao cấp nhất của Apple vào năm 2018. Do đó, công ty đã quyết định giảm bớt lợi nhuận khi chi phí sản xuất tăng cao thay vì tăng giá lên người mua.

Trong đó, con chip A16 là nguyên nhân chính khiến linh kiện dòng Pro trở nên đắt đỏ hơn. Cụ thể, vi xử lý này chỉ có thể được sản xuất bởi TSMC và Samsung Electronics và có giá 110 USD, cao gấp 2,4 lần so với chip A15 sử dụng trên iPhone 13 Pro Max năm ngoái.

Những công nghệ phần cứng đắt đỏ trên iPhone 14

iPhone năm nay còn được trang bị hệ thống camera mới với cảm biến hình ảnh CMOS của Sony. Cảm biến này có diện tích lớn hơn 30% và có giá cao hơn 15 USD, tức 50% so với các dòng trước.

iPhone 14 Pro Max là sản phẩm có chi phí sản xuất đắt đỏ nhất kể từ năm 2018. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo Nikkei Asia, cảm biến của Sony có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thiếu sáng, cho ra ảnh chụp ít vỡ, không cần phải chỉnh sửa hậu kỳ nhiều. Những cảm biến này cùng với linh kiện camera cao cấp nhất đã giúp iPhone chụp những tấm ảnh sáng, rõ trong mọi điều kiện ánh sáng.

Bên cạnh đó, mặc dù giới thiệu về kết nối vệ tinh giúp liên hệ trong trường hợp khẩn cấp trên iPhone 14, Fomalhaut lại không tìm thấy bất cứ linh kiện nào liên quan đến tính năng này bên trong thiết bị. Nguyên nhân có thể là vì kết nối vệ tinh sẽ tận dụng phần mềm thay vì công nghệ phần cứng trên iPhone, Nikkei Asia nhận định.

Hầu hết linh kiện của iPhone 14 đều đến từ các nhà cung cấp tại Mỹ. Các loại linh kiện này chiếm 32,4% chi phí sản xuất của thiết bị, tăng 10% so với dòng sản phẩm năm 2021. Trong khi đó, linh kiện từ Hàn Quốc chỉ chiếm 24,8% chi phí, không còn đứng đầu. Nguyên nhân là Apple đã tăng cường sử dụng các thiết bị công nghệ tại thị trường nội địa.

Apple cũng sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc. Nhưng gần đây hãng đã quyết định giảm phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân và dần xây dựng các nhà máy ở các quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này rất có thể sẽ thay đổi chiến lược bán hàng của Táo khuyết trong tương lai, Nikkei Asia nhận định.

Các nhà sản xuất Mỹ vẫn chiếm phần lớn chi phí sản xuất iPhone 14. Ảnh: Nikkei Asia.

Cụ thể, theo một nguồn tin nội bộ chia sẻ với Bloomberg, tổng giá trị iPhone xuất khẩu từ Ấn Độ đã chạm mốc 1 tỷ USD chỉ trong vòng 5 tháng, tính từ tháng 4.

Bên cạnh đó, Táo khuyết cũng yêu cầu các đối tác cung ứng về việc tăng cường sản xuất ở Ấn Độ sớm nhất và vào năm tới, bao gồm các thiết bị âm thanh trọng điểm.

Trong đó, Foxconn, đối tác chính của Apple, đang chuẩn bị gia công tai nghe Beats ở Ấn Độ, đồng thời mong muốn sẽ có thể sản xuất thêm cả AirPods trong tương lai. Trong khi đó, Luxshare Precision Industry, hãng cung ứng linh kiện Trung Quốc cho Táo khuyết, cũng dự tính sẽ xây dựng nhà máy gia công AirPods ở quốc gia Nam Á.

iPhone 14 sẽ đến tay khách hàng Việt từ ngày 14/10. Ảnh: Phương Lâm.

Táo khuyết mở bán iPhone từ ngày 16/9. Tại Việt Nam, các chuỗi bán lẻ bắt đầu nhận đặt cọc từ sáng nay (7/10) và sẽ trả máy vào ngày 14/10.

Theo chia sẻ của đại diện chuỗi bán lẻ TopZone, mẫu iPhone 14 Pro Max vẫn được người dùng yêu thích nhất khi chiếm phần lớn trong danh sách đặt cọc. Khách hàng cũng chuộng mẫu iPhone 14 Pro, trong khi tỷ lệ đặt hai phiên bản thường thấp hơn.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/apple-chiu-lo-de-giu-gia-iphone-post1363120.html