Tổng Liên đoàn Lao động lên tiếng việc quỹ kết dư 29.000 tỷ đồng

Sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra số dư tích lũy tài chính công đoàn đền hết năm 2019 gần 29.000 tỷ đồng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) đã có những lý giải liên quan tới số kết dư và việc sử dụng số tiền này.

Cán bộ công đoàn nhận thu nhập cao?

Tổng LĐLĐ cho rằng, việc sử dụng số tiền 29.000 tỷ đồng theo Luật Công đoàn 2012 và các ban bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, tổ chức công đoàn được giao thu, cân đối chi và chuyển tiếp năm trước sang năm sau.

Thực tế, đến hết năm 2019, số tích lũy tài chính công đoàn là hơn 28.364 tỷ đồng, được tích lũy qua nhiều năm. Trong đó, ở cấp Tổng Liên đoàn kết dư 3.793 tỷ đồng; 63 LĐLĐ tỉnh thành và 20 công đoàn ngành trung ương kết dư 10.334 tỷ đồng; 1.269 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (cấp quận/huyện) kết dư 6.644 tỷ đồng; 120.825 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp kết dư 7.593 tỷ đồng. Riêng số dư tại cấp cơ sở đã chi hết dịp Tết Nguyên đán 2020.

Số dư được gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối, và được Tổng LĐLĐ đánh giá là được khai thác có hiệu quả. Tổng LĐLĐ không mua cổ phần tại bất kỳ đơn vị kinh tế nào ngaòi tổ chức công đoàn. Riêng công đoàn cấp dưới chỉ mua cổ phiếu ưu đãi tại các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa.

Về việc kinh phí công đoàn cấp trên kết dư lớn, trong khi cấp cơ sở không đủ để chi, Tổng LĐLĐ cho rằng, tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn giai đoạn 2016-2019 là 65% để lại cấp cơ sở, năm 2020 tăng lên 70% và đến năm 2025 lên 75%. Riêng với công đoàn phí, tỷ lệ để lại cho công đoàn cơ sở là 60% số thu.

Về tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động còn thấp (chỉ 46% tổng số chi), Tổng LĐLĐ cho rằng, đây chỉ cá biệt tại một số công đoàn.

Việc tiết kiệm 10% chi quản lý hành chính và hoạt động phong trào dành cho đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, sẽ dừng từ ngày 1/1/2021.

Về quản lý sử dụng tài sản là nhà, đất của tổ chức công đoàn, Tổng LĐLĐ thừa nhân, tại 1 số địa phương có việc sử dụng chưa đúng quy định, việc sắp xếp những tài sản này chậm… cần rút kinh nghiệm. Do đó, cuối tháng 8 vừa qua đã ban hành kế hoạch sắp xếp tài sản công của Tổng LĐLĐ, với mục tiêu hết năm nay hoàn thành phương án với 50% số tài sản cần sắp xếp, trong đó có 30% phương án được thống nhất với địa phương để gửi Bộ Tài chính.

Về định mức chi cho 1 biên chế tại Tổng LĐLĐ từ 200-900 triệu đồng/người, Tổng LĐLĐ khẳng định là chi đúng quy định, phù hợp thực tế, vì có công đoàn cùng cấp nhưng quản lý số lao động và đoàn viên khác nhau.

Tổng LĐLĐ cho biết, năm 2019, tại cấp tổng liên đoàn chi 76 tỷ đồng cho 175 cán bộ và lao động hợp đồng (bình quân 434 triệu đồng/người), trong đó tiền lương 152 triệu đồng/người, chi quản lý hành chính 65 triệu đồng/người; chi hoạt động phong trào (chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động cho hệ thống công đoàn) là 217 triệu/người.

Tại cấp công đoàn quận/huyện, tỉnh thành, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc tổng liên đoàn, tổng chi 3.241 tỷ đồng cho 6.754 cán bộ và lao động hợp đồng, bình quân 479 triệu đồng/người. Trong đó, tiền lương 153 triệu đồng/người, chi quản lý hành chính 65 triệu đồng/người; chi hoạt động phong trào là 261 triệu/người.

Tuy nhiên Tổng LĐLĐ Việt Nam đang điều chỉnh việc giao dự toán chi hàng năm tại công đoàn cấp trên cơ sở theo Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.

Thu nhiều chi ít

Theo kêt quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, tới hết năm vừa qua, tổng tài chính công đoàn tích lũy gần 29.000 tỷ đồng. Số kết dư này chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh thành và tương đương. Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả, đa số mang đi gửi tiết kiệm.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh - liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế cho vay rõ ràng, minh bạch; chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Từ đó, nhiều đơn vị đầu tư khó có khả năng thu hồi vốn.

Về chi, kết quả kiểm toán chỉ rõ, công đoàn cơ sở chi nhiều nhất, với số chi bằng 99,1% số thu; tiếp đến là công đoàn trên cơ sở (cấp quận/huyện) chi 68,1% so thu; cấp Liên đoàn lao động tỉnh thành, công đoàn ngành là 45,4%; còn tại Tổng LĐLĐ chỉ chi 8,3% số thu.

Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cho biết, tỷ lệ thu khác/tổng chi tại công đoàn cơ sở là 11,1%, tại công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%, tại Liên đoàn Lao động tỉnh thành và công đoàn ngành là 37,4%, trong khi tại Tổng LĐLĐ lên tới 220,8%. Tính riêng thu khác tại Tổng LĐLĐ đã đáp ứng 2,2 lần tổng chi trong năm.

Kết quả kiểm toán chi tiết cho thấy, tại các công đoàn cơ sở, tình trạng thiếu kinh phí hoạt động diễn ra phổ biến, thậm chí một số công đoàn cơ sở mất cân đối thu - chi. Trong khi đó, các công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động, Tổng LĐLĐ sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn nhằm tăng thu khác, đầu tư, cho vay.

Theo quy định hiện hành, hàng tháng công đoàn viên phải đóng phí công đoàn bằng 2% mức lương. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh giảm mức phí này, vì tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong khi tại một số doanh nghiệp hoạt động chăm lo cho người lao động chủ yếu do chủ sử dụng lao động thực hiện, đóng góp của tổ chức công đoàn còn hạn chế.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/tong-lien-doan-lao-dong-len-tieng-viec-quy-ket-du-29000-ty-dong-1719877.tpo