Tổng Liên đoàn Lao động không có văn bản nào can thiệp vào trường ĐH Tôn Đức Thắng

Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 11/6, trao đổi với phóng viên báo Tin tức về những ý kiến xung quanh việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐH TĐT) đã có những phản ứng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN cho biết: TLĐLĐVN không có bất kỳ văn bản nào can thiệp vào hoạt động của Trường ĐH TĐT.

Ông có ý kiến gì khi dư luận cho rằng TLĐLĐVN đã can thiệp vào sự tự chủ của Trường ĐH TĐT?

Trước hết phải khẳng định: Nếu TLĐLĐVN không tạo điều kiện, không tôn trọng quyền tự chủ của Trường ĐH TĐT, thì nhà trường sẽ không có được kết quả như ngày hôm nay.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, ông Ngọ Duy Hiểu trả lời phỏng vấn báo Tin tức. Ảnh: Chí Bình.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, ông Ngọ Duy Hiểu trả lời phỏng vấn báo Tin tức. Ảnh: Chí Bình.

Chúng ta phải hiểu theo mối quan hệ nhân quả, nếu ai đó nói rằng TLĐLĐVN không tôn trọng quyền tự chủ của ĐH TĐT, thì tôi khẳng định điều ấy là hoàn toàn sai sự thật. Vì trường có được như ngày hôm nay, đó là do TLĐLĐVN đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách khoa học, bài bản, đặc biệt trong đó tôn trọng quyền tự chủ theo quy định của pháp luật.

Ngoài sự lỗ lực của nhà trường, thì cơ quan chủ quản cũng đã tạo mọi điều kiện để nhà trường được như ngày hôm nay. Khi tiếp cận với Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), TLĐLĐVN nhận thức rõ rằng, trước đây khi mới có Quyết định 158/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ, thì TLĐLĐVN cũng đã tạo mọi điều kiện cho nhà trường tự chủ. Luật Giáo dục Đại học chuẩn bị có hiệu lực, thì TLĐLĐVN càng tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ đó.

Tuy nhiên, việc tự chủ kèm theo 2 điều kiện quan trọng: Đó là trách nhiệm giải trình và theo quy định của pháp luật. Thứ nhất, trách nhiệm giải trình ở đây là giải trình với cơ quan cấp trên, giải trình với phụ huynh, với người học, với xã hội. Thứ 2 là tuân theo quy định của pháp luật, tức là tự chủ, nhưng trong khuôn khổ của pháp luật, vì ĐH TĐT là trường công lập. Kể cả không phải là trường công lập, trường tư thục cũng phải tuân thủ theo pháp luật.

Pháp luật ở đây là ngoài thực hiện Luật Giáo dục Đại học thì chưa đủ, Trường ĐH công lập ở đây còn có Đảng bộ và dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì các vấn đề nhân sự, những định hướng lớn phải tuân thủ theo những quy định của Đảng. Vì Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, đó là điều bất di bất dịch trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Do vậy, TLĐLĐVN tôn trọng những gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường, nhưng phải phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện các quy định của pháp luật Nhà nước. TLĐLĐVN không có bất kỳ văn bản nào can thiệp vào hoạt động của nhà trường, chưa làm thay, chưa bao biện đối với Trường ĐH TĐT.

Còn với công văn số 655 của TLĐLĐVN mà nhà trường cho ý kiến: Đây chỉ là công văn chỉ đạo của TLĐLĐVN về việc chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Công văn này cũng nêu rõ về nhân sự, về quy chế. Hiện tại, Luật hiện hành vẫn đang có hiệu lực.

Từ lúc này đến 24 giờ ngày 31/6 thì vẫn dùng Luật Giáo dục Đại học hiện hành để giải quyết những vấn đề của ĐH TĐT, còn khi bộ máy đã được thành lập từ quy định này thì bắt đầu từ 1/7, Trường ĐH TĐT sẽ hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục Đại học mới. Không ai lấy một Luật chưa có hiệu lực để áp dụng cho thời điểm hiện tại cả.

Với ĐH TĐT, ngoài thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) bổ sung, còn phải thực hiện các quy định của Đảng trong công tác cán bộ, thực hiện các quy định của TLĐLĐVN trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Đảng về công tác tác cán bộ, cũng như tinh thần của Luật Giáo dục Đại học .

Vậy còn vấn đề tài sản của nhà trường thì sao, thưa ông?

Tài sản của ĐH TĐT có được như ngày hôm nay đó là tại sản ban đầu, là nỗ lực đóng góp của các thế hệ đoàn viên công đoàn cả nước. Tài sản này được xác định là tài sản của Nhà nước. Nhà nước giao cho TLĐLĐVN là chủ sở hữu những tài sản đó. Tài sản này được hình thành từ rất nhiều nguồn gồm: TLĐLĐVN cấp, cho vay, giao quản lý sử dụng và TLĐLĐVN đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà trường. Tôi vẫn khẳng định đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng giao TLĐLĐVN quản lý.

Nếu chúng ta đã xác định là tài sản Nhà nước, thì trong số 3.000 tỷ đồng hiện nay của nhà trường, TLĐLĐVN khẳng định bằng các hình thức hỗ trợ cho ĐH TĐT, đã đóng góp vào đó hàng ngàn tỷ đồng. Đóng góp nỗ lực của nhà trường là điều cần thiết, nhưng đóng góp đó phải tuân thủ trên cơ sở pháp luật và các quy định của Đảng, của TLĐLĐVN và trên cơ sở những ứng xử phải thực sự mẫu mực của nhà giáo, của những người làm công tác giáo dục.

Ông có bình luận gì về việc ĐH TĐT phản ứng việc TLĐLĐVN yêu cầu ĐH TĐT phải trích nộp 30% chênh lệch?

Năm 2017 khi đoàn kiểm tra của TLĐLĐVN kiểm tra về tài chính, tài sản của nhà trường có trích dẫn quy định của TLĐLĐVN quy định về đơn vị phải trích nộp 30% nghĩa vụ như các đơn vị công lập khác. Sau đó nhà trường có phản ứng, thì đoàn kiểm tra tiếp tục khẳng định lại là phải nộp.

Sau này một số văn bản góp ý quy chế của nhà trường, Ban Tài chính tiếp tục kiến nghị việc này. Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN cũng khẳng định, ngoài việc thực hiện quy định như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, do đặc thù, nhà trường sẽ được hưởng các quy định của một đơn vị thí điểm tự chủ theo Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy Thường trực TLĐLĐVN quyết định là không thu của nhà trường và cho đến thời điểm này hoàn toàn chưa thu một khoản nào của nhà trường và không có một văn bản cụ thể nào yêu cầu nhà trường phải nộp số tiền bao nhiêu, ngày nào nộp, tháng nào nộp. Trong các dự toán hàng năm, nhà trường cũng ko có khoản mục nào phải nộp khoản tiền này. So với các đơn vị khác thì có khoản mục này, nhưng riêng Trường ĐH TĐT không có khoản mục nào.

Trên thực tế từ tháng 2 đến tháng 5/2019, TLĐLĐVN có 5 lần gửi giấy mời mời nhà trường họp với TLĐLĐVN để bàn bạc, lắng nghe ý kiến nhà trường. Tuy nhiên, đến lần thứ 5, thì nhà trường mới cử 2 đồng chí hiệu phó ra dự họp. Tại cuộc họp này, TLĐLĐVN cũng có giải thích các vấn đề mà nhà trường nêu ra.

Quan điểm của TLĐLĐVN là luôn sẵn sàng và không từ chối bất kỳ cuộc trao đổi, đối thoại nào với nhà trường để giải quyết vấn đề của các bên. Tuy nhiên, tiếc là đồng chí Hiệu trưởng nhà trường đã không ra họp cùng TLĐLĐVN để bày tỏ quan điểm của mình.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nhà trường phản ứng. Lần này nhà trường phát biểu trên báo chí cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại học Việt Nam có việc một nhà trường phản ứng về đơn vị chủ quản. Chúng tôi cũng khẳng định rằng: Những phản ứng này là không cần thiết, bởi TLĐLĐVN luôn lắng nghe và không làm sai. Cho nên phản ứng này là đáng tiếc và không cần thiết.

Trước đây, nhà trường cũng đã phản ứng về việc Kiểm toán Nhà nước khi vào kiểm toán và cho rằng khi nhà trường đã tự chủ rồi thì không phải kiểm toán.

Một lần khác, đoàn kiểm tra về tài chính, tài sản của TLĐLĐVN tới thì nhà trường cũng từ chối và sau này có giải thích viện dẫn… cuối cùng mới cho các đoàn vào kiểm toán, kiểm tra. Hay khi đoàn của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát, có báo cáo thì nhà trường cũng đã có những phản ứng và lời lẽ không phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

V.Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tong-lien-doan-lao-dong-khong-co-van-ban-nao-can-thiep-vao-truong-dh-ton-duc-thang-20190611161844490.htm