Tổng Liên đoàn ban hành văn bản trái với Luật 34/2018/QH14 là không được

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh: 'Không cá nhân, tổ chức nào có thể ngồi trên luật pháp'.

Tự chủ đại học là vấn đề đã được nói từ rất lâu, đặc biệt ở các văn bản pháp quy và chỉ đạo của Đảng (như Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 05-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW , Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, Nghị quyết 77/NQ-CP, Nghị quyết 89/NQ-CP) đều mở ra chung một cơ chế: “…Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.

Đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường).

Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản (Trích Nghị quyết 89/NQ-CP)” và “…Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học (Trích Nghị quyết 19/NQ-TW)”.

Ngoài ra, vấn đề tự chủ đại học cũng đã được đưa vào trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14), tuy nhiên tự chủ đại học hiện nay của nước ta chỉ mới bắt đầu nên còn nhiều vướng mắc liên quan đến các luật, văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành liên quan đến các vấn đề: tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản công và ngay cả nội dung chương trình.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, các cấp cao nhất đều đã thúc đẩy chủ trương tự chủ đại học nhưng đang bị tắc nhiều ở cấp trung gian khiến các trường gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Và câu chuyện ngày 16/10/2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung đi trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14 là một minh chứng cụ thể.

Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có hai trường đại học (gồm Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Công đoàn). Hai trường này vừa là đối tượng điều chỉnh của Luật số 34/2018/QH14 và các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học, vừa là đối tượng nội bộ bị điều chỉnh bởi Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ.

Trước vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành một quyết định có nhiều nội dung vừa trái với định hướng chung của Đảng, Nhà nước vừa không phù hợp với Luật số 34/2018/QH14 là không đúng.

“Không cá nhân, tổ chức nào có thể ngồi trên luật pháp”, ông Vinh nói.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh: “Không cá nhân, tổ chức nào có thể ngồi trên luật pháp”. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh: “Không cá nhân, tổ chức nào có thể ngồi trên luật pháp”. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập ở Việt Nam đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu.

Và hiện nay chúng ta đang khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm xã hội thực sự trên cơ sở thiết lập cơ chế “hội đồng trường đích thực”, tiến tới xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”, chính vì vậy các cơ quan chủ quản cần thay đổi tư duy trong quản lý đó là chỉ cần giám sát, chứ đừng giữ khư khư quyền lực của mình, thay vào đó hãy để các trường được tự làm.

Ngoài ra, ông Vinh cũng nhận định: “Tôi tin rằng, mô hình trường đại học thuộc Bộ, ngành dần dần sẽ không còn nữa vì trước đây chúng ta đào tạo cục bộ tức là trường trực thuộc Bộ, ngành nào thì sẽ tự đào tạo nhân sự cho Bộ, ngành đó.

Nhưng giờ đây việc đáp ứng của nhà trường với yêu cầu xã hội, yêu cầu phát triển kinh tế Nhà nước, với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các ngành nghề, thành phần kinh tế khác nhau của đất nước là xu hướng tất yếu, tạo nên sức mạnh của cả hệ thống".

Bàn về mô hình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định:

“Những ngày đầu với điều kiện vật chất hạn chế, nguồn lực có hạn, sau 22 năm không ngừng cô gắng, đến hôm nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang là 1 điểm sáng trong mô hình giáo dục tự chủ đại học công lập. Do đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần ủng hộ việc này chứ đừng gây khó”.

Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng:

“Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, tinh thần chính của Luật này là làm sao phát huy được nội lực tiềm năng của từng trường đại học để tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả của nhà trường tốt hơn. Điều này vừa phù hợp với xu thế của thế giới và cũng là yêu cầu của đất nước.

Ngoài ra, Luật Giáo dục đại học cũng đưa ra nội dung về tự chủ đại học để tránh những ràng buộc làm mất đi tính chủ động, sáng tạo của các nhà trường, phải nói rằng đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Do đó, việc thực hiện Luật này hết sức quan trọng, đòi hỏi các Bộ, các cơ quan chủ quản của các trường đều phải có trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện.

“Nếu cơ quan nào đưa ra văn bản, Quyết định mang tính “cấm chợ ngăn sông” để quản lý, ràng buộc các cơ sở giáo dục là đều trái với pháp luật”, Giáo sư Vũ Văn Hiền nhấn mạnh.

Trước nội dung Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có một số nội dung đi ngược lại so với Luật số 34/2018/QH14, Giáo sư Vũ Văn Hiền cho rằng, trước tiên Bộ Tư pháp cần xem xét lại văn bản này và có phương án xử lý bởi đây cơ quan giúp Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản để thực hiện các đạo luật của Quốc hội.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tong-lien-doan-ban-hanh-van-ban-trai-voi-luat-342018qh14-la-khong-duoc-post205155.gd