Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM Josefine Wallat: Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức

Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM Josefine Wallat khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Đức trong khu vực Đông Nam Á.

Vừa qua, trong 2 ngày 13 và 14-11, Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhân sự kiện này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM Josefine Wallat về những vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Đức cũng như những đánh giá về chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) thăm chính thức Việt Nam vào ngày 13-11. Ảnh: Bundesregierung/ Janine Schmitz/ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) thăm chính thức Việt Nam vào ngày 13-11. Ảnh: Bundesregierung/ Janine Schmitz/ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam

.Phóng viên: Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm, kể từ chuyến thăm của cựu Thủ tướng Angela Merkel vào tháng 10-2011. Đây cũng là lần đầu tiên ông Scholz, trên cương vị thủ tướng liên bang Đức, thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2021. Trong bối cảnh này, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm?

Bà Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM Josefine Wallat. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM

+ Bà Josefine Wallat : Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đức trong việc hợp tác với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Chuyến thăm cũng cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam, vốn được thiết lập hơn 10 năm trước.

Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trong khu vực và hai bên đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, năng lượng, khí hậu, quốc phòng,...

. Hai nước Việt Nam - Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ 2011. Hơn 10 năm qua, mối quan hệ quan trọng này đã được cả hai phát huy thế nào và đạt được những thành tựu gì, thưa bà?

+ Quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam đã được nâng lên thành Đối tác Chiến lược vào năm 2011. Kể từ đó, mối quan hệ chặt chẽ và đa dạng của chúng ta đã được thúc đẩy thông qua hàng loạt dự án. Một trong những ví dụ sáng giá nhất hiện nay trong lĩnh vực giáo dục là Trường ĐH Việt Đức (VGU). Chúng tôi vừa tổ chức lễ khánh thành cơ sở mới, hiện đại nhất của trường vào hai tuần trước.

Lễ khánh thành khuôn viên Trường Đại học Việt Đức vào ngày 11-11-2022. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM

Dù vậy, Đức không chỉ cung cấp giáo dục chuyên môn ở cấp đại học. Học sinh tại TP.HCM còn có cơ hội trải nghiệm hệ thống giáo dục Đức tại Trường Quốc tế Đức (IGS) hiện đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, các em có thể học tiếng Đức như ngoại ngữ thứ nhất hoặc thứ hai tại các trường phổ thông, hay được đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của Đức tại trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.

Bà Josefine Wallat cùng Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại sự kiện "Hành trình quanh nước Đức". Ảnh: Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM

Một dự án “hải đăng” quan trọng khác của quan hệ đối tác Đức - Việt Nam là Deutsches Haus (Ngôi nhà Đức) tại TP.HCM. Đây là trụ sở chính thức của Lãnh sự quán Đức, nhiều tổ chức như Viện Goethe và Phòng Thương mại, cũng như nhiều công ty lớn của Đức, chẳng hạn như Adidas và Bosch. Deutsches Haus được khánh thành vào năm 2018. Nhiều đoàn khách Đức và sự kiện lớn đã được tổ chức tại đây.

Vào năm 2020, chúng tôi đã kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam và giới thiệu khẩu hiệu “A Piece of Germany” (Mảnh ghép nước Đức). Gần đây nhất, chúng tôi rất vui mừng được chào đón công chúng đến với ngày hội “Hành trình quanh nước Đức” nhân dịp kỷ niệm ngày Thống nhất nước Đức.

Một điểm nổi bật khác trong quan hệ của chúng ta là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020. Hiệp định này mang lại lợi ích cho cả hai nước, vì việc cắt giảm thuế quan theo cả hai hướng là một lợi thế rất lớn cho cả các công ty Đức và Việt Nam.

. Nhìn vào quan hệ Việt Nam - Đức, bà đánh giá đâu là những vấn đề trọng tâm và tiềm năng để cả hai có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong và sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz?

+ Không chỉ chính phủ Đức và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều thập niên mà mối quan hệ của chúng ta còn mang cả tính cá nhân. Có khoảng 180.000 người Việt và người Đức gốc Việt sống ở Đức. Có khoảng 500 công ty Đức có đại diện tại Việt Nam tính đến tháng 1-2021. Theo Phòng Công nghiệp và Thương mai Đức - AHK, tổng vốn đầu tư 2,3 tỉ USD của các công ty Đức này đã tạo ra khoảng 47.000 việc làm chất lượng tại Việt Nam.

Như Thủ tướng Scholz đã đề cập trong bài phát biểu trong chuyến thăm vừa qua, Đức sẽ tham gia xây dựng tuyến đường sắt đô thị mới ở Hà Nội và công tác xây dựng sẽ sớm được bắt đầu. Tuyến tàu này cùng với tuyến Metro số 2, vốn được Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đồng tài trợ, chắc chắn sẽ là một trong những nền tảng cho sự hợp tác thiết thực của chúng ta trong tương lai.

Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Bundesregierung/ Janine Schmitz/ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam

Một trọng tâm khác trong cuộc trò chuyện của ông Scholz là hợp tác về bảo vệ khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi biết rằng Việt Nam với bờ biển dài và đồng bằng sông Cửu Long là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Olaf Scholz trong Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Đức. Ảnh: Bundesregierung/ Janine Schmitz/ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam

Chúng tôi cũng nhận thức được trách nhiệm đặc biệt của mình đối với sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng và đối với những việc cần làm để hỗ trợ giảm phát thải CO2. Đó là lý do tại sao việc quan trọng là hai nước bắt đầu Đối thoại về năng lượng Đức - Việt Nam trong năm nay như một nền tảng để trao đổi về những thách thức và cơ hội của quá trình chuyển đổi năng lượng ở hai nước.

Chương trình Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển G7 với các quốc gia được lựa chọn cũng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Chúng tôi hy vọng có thể sớm thống nhất với Việt Nam về mối quan hệ đối tác với những mục tiêu rất cao trong chương trình này.

. Xin cám ơn bà.

Hợp tác với Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong khu vực

Giới quan sát cho rằng chuyến công du lần này của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến châu Á trong đó có Việt Nam cho thấy sự quan tâm của Berlin tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi được hỏi rằng Việt Nam có vai trò quan trọng như thế nào trong chiến lược của Đức tại khu vực, Tổng Lãnh sự Đức Wallat khẳng định hợp tác với Việt Nam đóng vai trò trung tâm. Bà cho rằng để chống lại tác động tiêu cực của kinh tế do cuộc chiến Nga –Ukraine gây ra, Đức và Việt Nam phải mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu thô và địa điểm sản xuất để trở nên độc lập với các quốc gia hay các nhà cung cấp.

Theo bà Wallat, hiện tại, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và hòa bình toàn cầu đang bị thách thức. Trong bối cảnh đó, Đức và Việt Nam cùng quan tâm đến việc áp dụng và thực thi luật pháp quốc tế. Biểu hiện này được thể hiện ở Biển Đông, liên quan đến việc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về luật biển. Bà khẳng định luật pháp quốc tế là cơ sở cho hòa bình ổn định và thịnh vượng của hai nước.

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-lanh-su-duc-tai-tphcm-josefine-wallat-viet-nam-la-doi-tac-quan-trong-cua-duc-post708549.html