Tổng lãnh sự Anh: Muốn giữ chân người tài cần tin tưởng trao quyền

Để người tài có thể ra sức cống hiến, các cơ quan nhà nước cần tạo ra các cơ chế 'trao quyền', 'khuyến khích' để họ tìm thấy động lực thực sự trong công việc.

Tại chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” mừng xuân Quý Mão 2023, bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự kiêm Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam, đã chia sẻ về câu chuyện kinh nghiệm “thu hút nhân tài” cho cơ quan nhà nước tại nước này.

“Cầu nối” chuyên gia, trí thức

. Phóng viên: Thưa bà Tổng lãnh sự, chúng tôi rất quan tâm đến việc thu hút người tài cho lĩnh vực công, đặc biệt là giới nghiên cứu, nhà khoa học hay tư vấn chính sách. Nhưng trước tiên, chúng tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện làm chính sách ở Anh. Giới chuyên gia, các nhà khoa học đóng vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng một chính sách, thưa bà?

+ Bà EMILY HAMBLIN: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Theo tôi, một yếu tố rất quan trọng trong cách thức hoạt động của hệ thống chính trị ở Anh đó là hệ thống hành chính công vụ mang tính độc lập với guồng máy chính trị.

Điều đó có nghĩa là các công chức chính phủ làm việc ổn định và duy trì bộ máy kể cả khi chính phủ có thay đổi trong định hướng hoặc theo đuổi những chính sách khác nhau (do đảng lãnh đạo khác lên nắm quyền – PV).

Tôi nghĩ điều này rất quan trọng vì với một bộ máy hành chính độc lập, các công chức với đầy đủ chuyên môn về từng lĩnh vực cụ thể cùng với kinh nghiệm làm chính sách, sẽ có những đóng góp thiết thực để đưa ra những chính sách phù hợp.

Tổng lãnh sự kiêm Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam Emily Hamblin trong buổi phỏng vấn. Ảnh: QUỐC VŨ

Tổng lãnh sự kiêm Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam Emily Hamblin trong buổi phỏng vấn. Ảnh: QUỐC VŨ

Ở Anh, hoạt động nghiên cứu phát triển mạnh mẽ, có thể nói là đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Nước Anh có lợi thế được tiếp cận các nghiên cứu mới nhất trong quá trình hoạch định chính sách. Để việc này được đảm bảo hiệu quả, chúng tôi có tổ chức bộ máy (nhân sự) thực hiện.

Ví dụ, mỗi cơ quan chính phủ đều có một cố vấn khoa học, và một trong những nhiệm vụ của họ là đảm bảo kết nối giữa cơ quan nhà nước với mạng lưới các học giả, trí thức bên ngoài và các viện nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Việc này đảm bảo rằng những người có chuyên môn được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Khi có dự thảo chính sách, chúng tôi cũng thường tổ chức tham vấn ý kiến rộng rãi từ cộng đồng nhằm tranh thủ các ý kiến đóng góp của các tổ chức, viện nghiên cứu, hiệp hội cũng như ý kiến từ người dân, doanh nghiệp quan tâm bản dự thảo chính sách.

Sau cùng, chính phủ sẽ tiếp thu, điều chỉnh bản dự thảo, đồng thời sẽ phản hồi những ý kiến từ cộng đồng. Cả quá trình nói trên là rất quan trọng, và tôi nghĩ các ý kiến đóng góp đều rất cần thiết, đặc biệt là khi chính phủ xây dựng và triển khai các chính sách có ảnh hưởng tới đông đảo người dân và cần được triển khai một cách nhanh chóng.

Lý tưởng và trao quyền

. Như bà chia sẻ, mỗi cơ quan nhà nước đều cần đến sự tham gia của một “nhà khoa học trưởng”. Liệu rằng chính phủ Anh có phải cạnh tranh với các đơn vị tư nhân trong việc thu hút người tài như thế?

+ Việc tìm kiếm nhân tài luôn là ưu tiên đối với cả lĩnh vực công và doanh nghiệp tư nhân. Tôi xin chia sẻ rằng chính phủ Anh không xem việc thu hút nhân tài giữa lĩnh vực công và tư nhân là một sự cạnh tranh, bởi dù khu vực công hay tư thì nước Anh đều được hưởng lợi khi chúng tôi thu hút được nhân tài. Tuy nhiên, chính phủ Anh sẽ có phương pháp riêng để thu hút nhân tài một cách tốt nhất.

Trước hết, mức lương xứng đáng sẽ là nhân tố rất quan trọng cho việc thu hút người giỏi, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một phần trong chính sách đãi ngộ. Khi nhìn tổng thể, chúng tôi tập trung vào việc tạo cơ hội để người lao động cảm thấy họ làm việc có lý tưởng, có mục đích; đồng thời họ có cơ hội thể hiện năng lực, đóng góp thực sự và tạo ra những giá trị mới, khác biệt.

Ngoài ra, cần đảm bảo rằng người lao động được trao quyền (empower) trong công việc, được ghi nhận, khen thưởng khi có cống hiến và có thể làm việc một cách linh hoạt dựa vào thế mạnh riêng. Đó cũng chính là động lực chính giúp tôi làm công việc hiện tại, trong ngành ngoại giao của Anh. Ở (những) vị trí của mình, tôi cảm thấy bản thân có thể đóng góp điều gì đó thật sự quan trọng và có ý nghĩa cho đất nước.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Anh. Theo bà Emily Hamblin, đây là thời điểm vô cùng tuyệt vời của quan hệ song phương. Hai nước đang hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Thương mại hai nước đã tăng gấp ba lần trong mười năm cho đến thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19. Vương quốc Anh xem đây là quan hệ hợp tác đầy tiềm năng, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân ở cả hai nước.

. Nước Anh cũng thu hút nhiều nhân tài từ các nước đến sinh sống và làm việc, trong đó có cả người Việt Nam. Chúng tôi rất ấn tượng với các chương trình thu hút nhân tài quốc tế, ví dụ như Thị thực Tài năng Toàn cầu (The Global Talent Visa) hay Thị thực Cá nhân có tiềm năng lớn (High Potential Individual and Scale-up visa). Nếu nhìn tổng thể thì lý do người nước ngoài muốn đến Anh cống hiến là gì, thưa bà?

+ Tôi nghĩ rằng một lợi thế thực sự mà chúng tôi có ở Anh trong việc thu hút nhân tài quốc tế là sức mạnh của hệ thống giáo dục, đặc biệt là hệ đại học và sau đại học. Tôi nhớ là ở Anh, hiện có tới bốn trong số mười trường đại học hàng đầu thế giới. Một chính sách gần đây mà chúng tôi đang thực hiện là chương trình thị thực sau đại học (Graduate visa) cho phép người đã học ở Anh có thể ở lại hai năm sau khi tốt nghiệp để tìm việc làm, giúp nâng cao chất lượng lực lượng lao động.

Rộng hơn nữa, ngoài hệ thống giáo dục hàng đầu, nước Anh có rất nhiều yếu tố hấp dẫn như lịch sử, văn hóa, giải trí, cũng như cơ sở hạ tầng, y tế phát triển. Tôi nghĩ những điều đó góp phần thu hút nhân tài quốc tế, khuyến khích họ lập nghiệp và sống ở Anh. Điều này rất quan trọng để chính phủ hoạt động hiệu quả cũng như phát triển nền kinh tế nói chung.

Gợi ý cho Việt Nam

. Thưa bà, Việt Nam cũng đã và đang phát triển một số chính sách thu hút người tài trong nước và từ nước ngoài làm việc, tư vấn cho các cơ quan nhà nước. Đâu sẽ là những gợi ý khả dĩ dựa vào hiểu biết của bà khi sống và làm việc tại Việt Nam thời gian qua?

+ Trước hết, phải nói rằng Việt Nam có những nguồn lực mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Sự phát triển về giáo dục và sự thành công của hệ thống giáo dục ở Việt Nam thực sự làm tôi rất ấn tượng.

Tỷ lệ người biết chữ thực sự rất cao và tỷ lệ tăng trưởng cũng vậy. Các bạn biết đấy, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Tất cả những điều đó là nền tảng thực sự quan trọng, vững chắc để phát triển.

Tổng lãnh sự Anh Emily Hamblin (phải) trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: QUỐC VŨ

Tôi biết Việt Nam hiện đang có định hướng đến năm 2050 sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao. Đó quả là một khát vọng hoàn toàn hợp lý.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy việc thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp góp phần vào quá trình đó.

Ngoài ra, tôi nghĩ càng có nhiều chính sách ổn định, chắc chắn, có thể lường trước được càng tốt. Các doanh nghiệp thường cảm thấy nản lòng (nếu chính sách luôn biến động, thay đổi liên tục - PV) và họ luôn muốn biết điều gì sắp xảy ra, hệ thống sẽ hoạt động như thế nào.

Tất cả những điều kể trên, cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, đặc biệt theo hướng xanh và bền vững, sẽ thu hút các nhà đầu tư có tầm nhìn và lực lượng nhân tài trong tương lai. Điều ấy, tôi nghĩ là rất đúng và tôi thấy Việt Nam cũng đang chú trọng hướng đi ấy.

Hạnh phúc khi lần đầu đón Tết cùng gia đình ở Việt Nam

Tôi đã sống ở TP.HCM từ giữa năm 2020 và tôi vô cùng yêu đất nước và TP này. Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng với TP.HCM chính là năng lượng và nhịp sống của TP. Sự năng động của TP được nhìn thấy qua tốc độ xây dựng các tòa cao ốc, mật độ giao thông, và cả năng lượng của chính những người dân nơi đây.

Tôi rất hào hứng với những ngày nghỉ lễ sắp đến và ngày tết. Tôi nghĩ Tết có nhiều điểm tương đồng với lễ Giáng sinh (ở nước Anh). Đó đều là những dịp cuối năm, là thời điểm mà chúng ta nhìn lại một năm đã đi qua, những thứ mà ta biết ơn và vạch ra kế hoạch cho năm tới.

Đối với tôi, một cái Tết đúng nghĩa là được ở bên gia đình, ngừng lại một chút tập trung vào những gì quan trọng, dành thời gian cho mái ấm của mình. Và vì vậy tôi rất hạnh phúc vì Tết này là lần đầu tiên gia đình tôi từ Anh đến TP.HCM, vì trước đó bị vướng dịch COVID-19. Vậy nên tôi rất háo hức để giới thiệu cho gia đình tôi về TP và đất nước mà tôi mến. Con trai tôi rất đang mong chờ để được xem múa lân vào dịp Tết này.

EMILY HAMBLIN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-lanh-su-anh-muon-giu-chan-nguoi-tai-can-tin-tuong-trao-quyen-post718461.html