Tổng KTNN tranh luận 'nóng' với Bộ trưởng Tài chính về truy thuế Unilever

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính kết thúc báo cáo, Tổng KTNN đã sử dụng quyền tranh luận để giải trình trước Quốc hội sáng 24/5.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính kết thúc báo cáo, Tổng KTNN đã sử dụng quyền tranh luận để giải trình trước Quốc hội sáng 24/5

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính kết thúc báo cáo, Tổng KTNN đã sử dụng quyền tranh luận để giải trình trước Quốc hội sáng 24/5

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Các đại biểu tâp trung bàn luận về những nội dung liên quan tới quy định nộp thuế, khai thuế, xử lý việc chậm nộp thuế... Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, việc xóa nợ thuế đang tiến hành rất chậm.

Cụ thể, trong 5 năm (2013 tới tháng 5/2019), tổng số xử lý xóa nợ thuế từ các bộ ngành địa phương mới chỉ đạt 541 tỷ đồng. “Con số này rất ít trong tổng số nợ thuế tính tới thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo lại trong kỳ họp Quốc hội lần tiếp theo”, ông Dũng nói.

Liên quan tới tranh luận về hiệu lực kiến nghị kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong trường hợp phát sinh khiếu kiện, khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu vấn đề: “Luật Kiểm toán Nhà nước quy định kết luận KTNN bắt buộc phải thực hiện, Tổng KTNN là người xử lý khiếu nại cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi cơ quan thuế chấp hành kết luận kiểm toán, tiến hành thanh tra ra quyết định truy thu thuế, xảy ra nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại phức tạp. Trong trường hợp không đồng ý quyết định truy thu thuế, người có nghĩa vụ nộp thuế lại gửi đơn ra tòa kiện quyết định của cơ quan thuế chứ không phải kiện quyết định KTNN. Do đó, cơ quan thuế lại phải mất thời gian giải trình”.

Dẫn lại vụ việc cách đây 2 tuần, Bộ Tài chính phải tổ chức họp khẩn với KTNN, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp bàn về phương án xử lý kết luận KTNN tại Unilever Việt Nam, ông Dũng cho biết: “Ban đầu KTNN đưa ra kiến nghị truy thu 870 tỷ đồng, lần thứ hai lại trình con số hơn 500 tỷ đồng, tới lần thứ 3 lại là hơn 300 tỷ đồng. Tới bây giờ chúng tôi phải thống nhất báo cáo Thủ tướng người ta đồng ý nộp hơn 300 tỷ đồng rồi. Ví như trường hợp này, nếu chúng tôi ra quyết định truy thu hơn 870 tỷ đồng như kiến nghị ban đầu thì chắc chắn người ta sẽ kiện cơ quan thuế ra tòa. Do đó chúng ta phải hết sức phải lưu ý vấn đề này”.

Ngay sau khi Bộ trưởng Dũng ngồi xuống, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc bấm nút tranh luận với lý do cần phải “giải trình cho Quốc hội hiểu kẻo lại bảo KTNN làm không chính xác”.

Theo đó, ông Phớc nêu lại tiến trình vụ việc: “Ban đầu Thanh tra cục thuế TP.HCM kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng, và Unilever đã nộp đúng con số này. Tuy nhiên, sau khi KTNN vào cuộc đã đề nghị truy thu 882 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu đoàn thanh tra Cục Thuế TP.HCM giải trình tại sao lại chỉ thu 383 tỷ đồng? Lúc này Cục Thuế TP.HCM lấy lý do bởi điều kiện cuối năm, chỉ căn cứ vào số liệu do Unilever tự định toán thuế Thu nhập DN đối với hoạt động đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế trong giai đoạn 2009-2013 để kiến nghị truy thu, chứ chưa kiểm tra rà soát các hồ sơ liên quan của doanh nghiệp.

“Tôi khẳng định kiến nghị truy thu là đúng, Thanh tra Cục thuế TP.HCM thu không đúng. 8 tháng sau, khi Unilever khiếu nại đối với kiến nghị của KTNN, tôi đã mời Tổng cục Thuế và Cục thuế TP.HCM để cung cấp thêm hồ sơ mở rộng và ra kết luận quyết định truy thu hơn 580 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Unilever chấp nhận nộp 383 tỷ đồng nhưng kiến nghị cho nộp chậm, còn lại hồ sơ giải trình sẽ bổ sung sau” ông Phớc nói .

Qua đây, vị Tổng KTNN chia sẻ thêm: “Nếu người nộp thuế không đồng tình, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với cơ quan thuế. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, chỉ phân công nhiệm vụ cụ thể cơ quan thực hiện. Do đó, đề nghị các cơ quan Nhà nước nhẹ nhàng với nhau vì mục tiêu phát triển đất nước".

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-ktnn-tranh-luan-nong-voi-bo-truong-tai-chinh-ve-truy-thue-unilever-d421941.html