Tổng Kiểm toán Nhà nước: Đẩy mạnh kiểm toán môi trường để phát triển bền vững

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và nếu không có những chính sách, giải pháp phòng ngừa ngăn chặn thì sẽ tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, các loại phế liệu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đây sẽ là chủ đề mà 46 cơ quan kiểm toán tối cao của các nước châu Á cùng phải thực hiện.

Đây là khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Trưởng ban tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) khi trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề liên quan đến Đại hội ASOAI 14 sẽ diễn ra từ ngày 19 – 22/9, tại Hà Nội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Trưởng ban tổ chức đại hội ASOSAI 14.

Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết những điểm mới của Đại hội ASOSAI 14?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Đây là lần đầu tiên kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI tại Hà Nội. Đại hội này có một số điểm ấn tượng là có sự tham gia của 46 tổ chức kiểm toán tối cao từ cấp Bộ trưởng trở lên (một số quốc gia, Tổng Kiểm toán tương đương Bộ trưởng, một số quốc gia cao hơn Bộ trưởng); có sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, các tổ chức kiểm toán quốc tế Big4, 27 đại sứ của 27 quốc gia có trụ sở tại Việt Nam; các Cơ quan kiểm toán tối cao các nước thành viên châu Á (SAI) đã thống nhất cao với chủ đề của Đại hội là Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững do kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề xuất.

Việt Nam rất vinh dự được các SAI thành viên ASOSAI bầu trực tiếp là Chủ tịch ASOSAI 14. Với vai trò này, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ cùng với các SAI thành viên tiếp tục hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công cụ để tăng cường năng lực kiểm toán và thực hiện những chủ đề kiểm toán chung.

Chúng tôi tin tưởng rằng Đại hội không chỉ thành công ở việc quảng bá hình ảnh mà qua Đại hội, kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ hợp tác song phương với các SAI để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường công tác đào tạo cũng như chia sẻ các công cụ, phương tiện, thiết bị để thực hiện kiểm toán. Ví dụ như Kiểm toán Nhà nước Malaysia đã đào tạo cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam 15 kiểm toán viên về công nghệ thong tin, Quỹ kiểm toán toàn diện Canada đào tạo cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam 10 kiểm toán viên về kiểm toán hoạt động quốc tế; khi ban hành Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước (39 chuẩn mực) Kiểm toán Nhà nước cũng dựa trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI)…

Qua Đại hội này ngoài việc thực hiện mục tiêu chung,Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng tranh thủ học hỏi thế mạnh của các SAI khác để nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Kiểm toán Nhà nước có thế mạnh về kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính nhưng chưa mạnh về kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thong tin, kiểm toán môi trường, tài nguyên khoáng sản. Đối với những lĩnh vực kiểm toán mới này, Kiểm toán Nhà nước có thể đi tắt, đón đầu, nắm bắt, vận dụng khi xây dựng quy trình kiểm toán cũng như áp dụng công nghệ để thực hiện công tác kiểm toán.

Ông có thể phân tích rõ hơn lý do Đại hội ASOSAI lần thứ 14 lại lựa chọn chủ đề chính là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Đây là chủ đề của Liên Hợp Quốc và đã nhận được sự nhất trí của 46 cơ quan kiểm toán tối cao các nước châu Á và đây cũng là sự khác biệt đáng chú ý của đại hội lần này so với các đại hội trước đó. Vấn đề môi trường có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống dân sinh, hoạt động sản xuất-kinh doanh, tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và nếu không có những chính sách, giải pháp phòng ngừa ngăn chặn thì sẽ tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, các loại phế liệu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đây sẽ là chủ đề mà 46 cơ quan kiểm toán tối cao của các nước châu Á cùng thực hiện.

Theo quan điểm của ông, kiểm toán môi trường là rất quan trọng, với vai trò của mình, KTNN đã thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường chưa? Kế hoạch thực hiện các chuyên đề này thời gian tới thế nào, thưa ông?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Kế hoạch năm nay của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có một chủ đề là kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về giải pháp ngăn chặn nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

Trong kế hoạch 2018, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của Quốc hội, Chính phủ và bộ ngành, Ban kiểm sát Trung ương và các cơ quan hữu quan. Theo kế hoạch kiểm toán 2018, Kiểm toán Việt Nam sẽ tiến hành kiểm toán các doanh nghiệp, nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2014-2018.

Đồng thời, tiến hành các cuộc kiểm toán chuyên đề về doanh nghiệp đầu tư hạ tầng ở khu công nghiệp, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ năm 2016-2020, theo quyết định 351 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2018; kiểm toán cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2013-2018 của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Và công tác quản lý, xử lý rác thải của Thành phố Hà Nội, trong đó có chất thải rắn, nước thải đô thị và cấp thoát nước.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn thực hiện một số kế hoạch liên quan như nhà máy nhiệt điện Thái Bình, nhà máy nhiệt điện Vinh Tân 1, quản lý môi trường, khai thác khoáng sản của tỉnh Quảng Ninh, 8.000 dự án du lịch của các tỉnh phía bắc.

Cần phải thừa nhận rằng, hoạt động kiểm toán môi trường ở Việt Nam có quy mô khá hẹp trước thời điểm 2017. Kể từ năm 2017-2018, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện các hoạt động kiểm toán như kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam và một số tỉnh, thành phố; kiểm toán, quản lý việc khai thác môi trường, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường của tỉnh Hậu Giang; kiểm toán của Thành phố Hồ Chí Minh theo đề án của Chính phủ; kiểm toán công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Bình Thuận, kiểm toán hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn bộ khu vực Tiểu vùng sông Mekong trong giai đoạn 2014-2017.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn thực hiện kiểm toán một số dự án về môi trường, nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn của 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn 2017-2018.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, hoạt động kiểm toán môi trường là loại hình kiểm toán hiện nay vẫn còn mới ở Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hiện chưa ban hành được quy trình, quy định mà đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, một loại hình kiểm toán nữa mà Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng chưa ban hành được quy định là kiểm toán công nghệ thông tin.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/tong-kiem-toan-nha-nuoc-day-manh-kiem-toan-moi-truong-de-phat-trien-ben-vung/347000.vgp