Tổng kết và trao thưởng Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ CAND' lần thứ IV-2020: Dư âm còn vọng

Thêm một kỳ liên hoan khép lại, nhưng dư âm của nó hẳn sẽ còn vang vọng trong lòng cán bộ chiến sĩ, nghệ sĩ và công chúng Thủ đô...

Vậy là sau hơn 2 tuần diễn ra sôi nổi, tối 2-8-2020, lễ tổng kết và trao thưởng Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV-2020 đã diễn ra trang trọng. Những vở diễn có chất lượng nội dung, trình diễn nghệ thuật tốt nhất đã được trao giải thưởng, bên cạnh đó là các giải thưởng tôn vinh những đóng góp của các cá nhân nghệ sĩ tiêu biểu. Thêm một kỳ liên hoan khép lại, nhưng dư âm của nó hẳn sẽ còn vang vọng trong lòng cán bộ chiến sĩ, nghệ sĩ và công chúng Thủ đô...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao huy chương cho 7 vở diễn đoạt giải Vàng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao huy chương cho 7 vở diễn đoạt giải Vàng.

Khai mạc và chính thức biểu diễn dự thi từ tối 16-7 tại Nhà hát Âu Cơ và một số nhà hát trên địa bàn Hà Nội, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV đã khiến đời sống sân khấu Thủ đô có những ngày thực sự sôi động.

Với 33 vở diễn đủ các loại hình nghệ thuật (chèo, cải lương, kịch nói, ca kịch) đến từ 27 đơn vị nghệ thuật trong cả nước, trong đó có nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã đem đến cho khán giả một bức tranh tổng quan, sinh động về sân khấu nước nhà.

Có thể nói, với nguồn kinh phí chỉ mang tính chất "hỗ trợ, động viên" của Bộ Công an, nhưng các nghệ sĩ trong và ngoài công lập thực sự đã đến với liên hoan này bằng tình yêu nghề và sự say đắm, thiết tha với sàn diễn.

Mỗi vở diễn của các đơn vị xã hội hóa như sân khấu Lệ Ngọc, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Công ty TNHH Giải trí HERO FILM, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội... Sự góp mặt của các đơn vị nghệ thuật này đều là những nỗ lực tuyệt vời đáng được ghi nhận.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, dù chất lượng nghệ thuật của các vở diễn chưa đồng đều, bên cạnh các vở diễn có chất lượng nội dung và phong cách nghệ thuật độc đáo vẫn còn có những kịch bản yếu, một số vở diễn còn có những hạn chế nhất định, nhưng tất cả các tác phẩm dự thi đều thể hiện được tình yêu với nghề, sự quý trọng khán giả và đáp ứng được các tiêu chí mà Ban tổ chức liên hoan đã đề ra.

Trong quá trình dàn dựng và hoàn thiện tác phẩm, đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên đã có nhiều tìm tòi, trăn trở, tìm hiểu những đặc thù nghề nghiệp, những mất mát hi sinh của người chiến sĩ CAND trên các mặt trận và trong nhiều thời kỳ để đưa vào tác phẩm của mình và đã góp phần vô cùng quan trọng vào sự thành công của liên hoan.

Tại lễ bế mạc, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban tổ chức Liên hoan đã khẳng định: "Các vở diễn đã khai thác đời sống, chiến đấu, lao động và học tập của lực lượng CAND rất đa dạng, phong phú và có chất lượng nghệ thuật cao. Nhiều vở diễn thực sự gây xúc động với người xem, có sự đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu, có nhiều sáng tạo, khai thác nhiều góc khuất sâu lắng của lực lượng Công an ở các lĩnh vực khác nhau như an ninh, tình báo, cảnh sát phòng chống ma túy - kinh tế - hình sự - trại giam... góp phần đưa hình ảnh người chiến sĩ Công an gần dân hơn, gắn bó với nhân dân hơn!".

Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng mong muốn các nhà hát, đoàn nghệ thuật sẽ tiếp tục đầu tư, có thêm nhiều vở diễn mới để tiếp tục thắp sáng và lan tỏa hình tượng người chiến sĩ CAND đến với đông đảo công chúng cả nước.

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 7 giải Vàng, 9 giải Bạc cho các vở diễn xuất sắc nhất được Ban giám khảo chấm điểm cao nhất. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao 59 Huy chương Vàng và 72 Huy chương Bạc cho các cá nhân và một số giải thưởng cho tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ tham gia liên hoan.

Theo kế hoạch ban đầu, trước khi bế mạc liên hoan sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND", sẽ có một buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề xung quanh liên hoan. Do dịch Covid-19 lại bùng phát, buổi tọa đàm có tính chuyên sâu này đã được Ban tổ chức hoãn lại. Nhưng chắc hẳn dư âm của bản hòa ca đến từ 33 vở diễn của 27 đơn vị nghệ thuật với sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chắc hẳn sẽ còn vang vọng trong lòng cán bộ chiến sĩ, nghệ sĩ và công chúng Thủ đô...

Giải thưởng vở diễn

7 vở diễn đoạt Huy chương Vàng (giải thưởng 60 triệu đồng/vở)

1. "Nhân danh công lý" - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

2. "Tái sinh" - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

3. "Vụ án Am Bụt Mọc" - Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ

4. "Ngày trở về" - Nhà hát Chèo Quân đội

5. "Vẫn sống" - Nhát hát CAND

6. "Tình bạn và công lý" - Sân khấu Lệ Ngọc

7. "Kẻ trộm" - Nhà hát Kịch Hà Nội

9 vở diễn đoạt Huy chương Bạc (giải thưởng 40 triệu đồng/vở)

1. "Bộ cảnh phục" - Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam

2. "Lằn ranh" - Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh

3. "Bão ngầm" - Nhà hát Cải lương Việt Nam

4. "Tiếng chuông" - Nhà hát Chèo Hưng Yên

5. "Đóa sen Việt" - Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh)

6. "Chuyện của Dung" - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An

7. "Những ngày không bình yên" - Nhà hát Kịch nói Quân đội

8. "Búp bê không biết khóc" - Công ty TNHH HERO FILM

9. "Thầm lặng những chiến công" - Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn.

NSND Ngọc Giầu - Trưởng ban giám khảo kỳ liên hoan

"Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV đã đạt được những thành quả đáng khích lệ với 33 vở diễn ở nhiều loại hình sân khấu. Một số vở diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả như "Bộ cảnh phục", "Tái sinh", "Tiếng chuông", "Nhân danh công lý", Bão ngầm"...

Nhiều câu chuyện trong đó đã để lại ấn tượng sâu sắc về các cán bộ, chiến sĩ CAND. Họ không chỉ mưu trí, dũng cảm, trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ nhân dân mà còn là những người chồng, người cha, người đồng chí bình dị với tâm hồn cao đẹp đầy tính nhân văn.

Những hình ảnh đó đã chạm vào trái tim khán giả như má Tư trong "Ngọn đèn trước gió", Trung tá Dũng trong "Những ngày không bình yên", Trung tá Quân trong "Thầm lặng những chiến công", Trung tá Quang trong "Vẫn sống", Trung úy Tiến trong "Búp bê không biết khóc", Thiếu úy Lê Thanh trong "Bộ cảnh phục"...

Liên hoan sân khấu lần này đã đánh dấu sự xuất hiện, tiềm năng sáng tạo chỉn chu của những đạo diễn có nhiều vốn sống, hấp dẫn. Đối với một số bạn trẻ, Liên hoan này là sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho con đường sáng tạo, các bạn đã có những thành quả xứng đáng sau một quá trình nỗ lực không ngừng như Quý Bình, Như Lai, Đình Toàn, Vương Bình, Nguyễn Đạt, Sỹ Tiến... Liên hoan cũng giúp các anh chị diễn viên lâu năm khẳng định mình và là nơi phát hiện một số gương mặt đầy triển vọng...".

NSND Hoàng Quỳnh Mai - Nhà hát Cải lương Việt Nam

Tôi rất vui vì vở cải lương "Bão ngầm" đoạt giải Bạc của Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND". Thật ra, đối với một liên hoan sân khấu như thế này, thì nó phù hợp với kịch nói hơn là nghệ thuật truyền thống như cải lương.

Bởi vì với nghệ thuật truyền thống thì vốn nó rất lãng mạn, nếu làm không cẩn thận thì lại không ra được cái chất "công an" và ngược lại. Vì thế, cái khó cho người đạo diễn là làm sao phải xây dựng một vở diễn "vẫn là cải lương mà lại vẫn rất công an". Đấy thực sự là một thách thức đối với người làm nghệ thuật truyền thống như chúng tôi khi tham gia cuộc thi này!

Tôi thực sự muốn đóng góp một tiếng nói, lời tri ân đối với các chiến sĩ công an và góp phần tạo nên một nét vẽ nhỏ, thêm một hương sắc trong muôn vàn hương sắc để tri ân sự hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an cho sự bình yên của cuộc sống của nhân dân, của đất nước này.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tong-ket-va-trao-thuong-lien-hoan-nghe-thuat-san-khau-toan-quoc-ve-hinh-tuong-nguoi-chien-si-cand-lan-thu-iv-2020-du-am-con-vong-606061/