Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện

Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện tại 20 địa phương trong cả nước.

Trong những năm qua, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo mô hình 3 bên thông qua việc ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng Lao động-Thương binh và xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã và cán bộ chi trả. Đứng trước yêu cầu về đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo phương thức hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch cũng như giảm tải áp lực cho cán bộ xã, phường, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện thí điểm mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện từ năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, 20 tỉnh, thành phố đã triển khai theo mô hình này.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Theo đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hằng tháng, bưu điện đã tổ chức 3.592 điểm chi trả trên tổng số 2.703 xã, phường, bố trí 3.242 nhân viên chi trả để thực hiện chi trả cho gần 360.000 người hưởng với số tiền hơn 620 tỷ đồng. Việc chi trả đáp ứng được các yêu cầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chi trả đúng đối tượng, chi đủ số tiền, đúng thời gian quy định, đảm bảo an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm. Công tác triển khai được ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho việc khai thác và quản lý an toàn, nhanh chóng, mang lại hiệu quả cho các bên và đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, qua 3 năm triển khai thí điểm, phương thức chi trả qua bưu điện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tiến trình cải cách thể chế, bộ máy quản lý, tăng cường dịch vụ sự nghiệp công; giảm tải áp lực công việc cho công chức ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; đảm bảo an toàn về quản lý tiền chi trả trợ cấp, quy định trách nhiệm bồi hoàn của cơ quan bưu điện khi có thất thoát; tách bạch giữa công tác quản lý, xác lập đối tượng với công tác chi trả, phòng ngừa khả năng trục lợi trong quá trình chi trả; đối tượng hưởng nhiều loại trợ cấp (hưu trí, người có công) không phải đi lại nhiều lần...

Toàn cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, phương thức này vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Cơ quan bưu điện mới chỉ thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên, các chế độ ưu đãi khác vẫn do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện; cán bộ chi trả của bưu điện chưa am hiểu sâu về chính sách nên không giải đáp được các vướng mắc của đối tượng…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục mở rộng việc thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện tại nhiều địa phương khác trong cả nước trong thời gian tới.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tong-ket-thuc-hien-thi-diem-chi-tra-tro-cap-uu-dai-nguoi-co-cong-qua-he-thong-buu-dien-605484