Tổng kết Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh tiểu học vùng DTTS

Ngày 21/7, tại TP Hạ Long, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Tính đến năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 339/445 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ DTTS ra trường, lớp (chiếm tỷ lệ 76,2% trong tổng số trường). Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh tiểu học người DTTS đến trường lớp luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, khối nhà trẻ chiếm tỷ lệ 37,9%; mẫu giáo chiếm 97,3%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%; học sinh tiểu học đạt 99,98%.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại vùng DTTS cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ giáo viên dạy trẻ em, học sinh người DTTS chiếm 30,5% tổng số giáo viên. Trình độ đạt chuẩn trở lên là 100%.

Cơ sở vật chất trường lớp mầm non, tiểu học thuộc các vùng DTTS ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt từ 84,6% trở lên (cấp mầm non đạt 93,6%, cấp tiểu học đạt 84,6%). Số nhóm lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định đạt 100%.

Từ năm 2017 đến nay, Sở GDĐT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh dành nguồn kinh phí lớn đầu tư, mua sắm trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, học liệu, tài liệu cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng DTTS. Tổng kinh phí đầu tư trang bị học liệu, thiết bị, đồ dùng đồ chơi từ nguồn ngân sách tỉnh lên tới trên 252 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị.

Để môi trường tăng cường tiếng Việt phong phú, các cơ sở giáo dục đã phát động phong trào, các cuộc thi về xây dựng môi trường làm quen với tiếng Việt của bé; điểm trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng các góc chơi thể hiện bản sắc dân tộc…

Tại hội nghị, Sở GD&ĐT đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng DTTS; giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công tác tại vùng DTTS; đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ trong quá trình triển khai…

Mục tiêu đến năm 2025, ngành phấn đấu có ít nhất 52% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, có ít nhất 97% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp.

Cùng với đó, ngành sẽ duy trì vững chắc tỷ lệ 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học vùng DTTS được bồi dưỡng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt.

Tại hội nghị, 42 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020 đã được nhận giấy khen của Sở GD&ĐT.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/tong-ket-de-an-tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-em-hoc-sinh-tieu-hoc-vung-dtts-2492607/