Tổng kết thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến Dự án Luật Hành chính Công

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách pháp luật có nội dung liên quan đến Dự án Luật Hành chính công. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Trần Thị Quốc Khánh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Hành chính công.

Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án Luật Hành chính, Ban soạn thảo đặc biệt quan tâm đến công tác tổng kết thi hành chính sách pháp luật về hành chính công không chỉ góp phần hoàn thiện hồ sơ dự án Luật mà còn xác định rõ vấn đề cốt lõi của hành chính công để điều chỉnh trong luật. Qua rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khảo sát thực tế tại các bộ ngành, địa phương, Ban soạn thảo nhận ra rằng trong những vấn đề của hành chính công thì thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công là những vấn đề mà nhiều bộ ngành, địa phương còn lúng túng, triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, thiếu sự kết nối liên thông, đồng bộ.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan, Ban soạn thảo dự án Luật đã tích cực nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Hành chính công với 5 chương và 45 điều, đồng thời giới hạn phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Dự thảo Luật tập trung vào vấn đề thủ tục hành chính, dịch vụ công, trách nhiệm và mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ mong muốn thông qua hội nghị, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp thêm nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, chia sẻ thực tiễn triễn khai thi hành pháp luật liên quan đến hành chính công tại các bộ, ngành địa phương để tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành chính sách pháp luật và hồ sơ dự án Luật.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ trình bày tham luận về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về cải cách thủ tục hành chính của bộ, ngành, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện pháp luật thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Đại diện lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Thanh Hóa, Nam Định…cũng trao đổi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công, triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm hành chính công, xây dựng thành phố thông minh.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2001-2015, mỗi năm Chính phủ ban hành trên 130 nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành trên 700 thông tư và thông tư liên tịch; chính quyền địa phương ban hành trên 1000 nghị quyết, quyết định để cụ thể hóa các văn bản pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền cấp trên. Trong số các văn bản này có nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về dịch vụ công, cung ứng dịch vụ công và các vấn đề khác liên quan đến hành chính công. Đây là cơ sở quan trọng để phục vụ các hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan phát biểu tại hội nghị

Qua tổng kết đánh giá bước đầu, Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công nhận thấy với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả tích cực. Thủ tục hành chính ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, minh bạch, tiếp cận thông lệ quốc tế. Tính riêng năm 2018 đã cắt giảm hơn 700 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa và có phương án cắt giảm trên 1300 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, trên 2400 điều kiện kinh doanh. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh giúp tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội. Cùng với đó việc kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện được thực hiện nghiêm túc. Những kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã và đang góp phần cải thiện chỉ số môi trường và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, những năm qua nhiều ngành, nhiều cấp tích cực triển khai và thực hiện được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên được quy định riêng thống nhất trong một đạo luật, chưa được quy định vụ thể trong các luật chuyên ngành nhưng với các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dịch vụ công, mạng lưới hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công từng bước hình thành, cùng với sự phát triển của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học và công nghệ…ở hầu hết các địa bàn và lĩnh vực. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập những năm gần đây đạt được kết quả bước đầu. Chính sách xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công từ năm 2011 đến nay, thì hiện vẫn chưa có văn bản quy định ở tầm luật về hành chính công. Mặc dù được coi là trọng tâm của cải cách hành chính nhưng thủ tục hành chính chưa được quy định với những nguyên tắc chung chuẩn hóa trong luật. Hầu hết những quy định về thủ tục hành chính hiện nay còn nặng về hồ sơ, giấy tờ, bản sao có công chứng, chứng thực; thiếu sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin trong cơ quan hành chính các cấp; nhiều quy trình còn chưa mình bạch, chưa thực sự ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến.

Trong khi đó, dịch vụ công là vấn đề có ý nghĩa lớn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cũng mới chỉ được quy định về khái niệm trong Luật Đấu thầu và quy định chung chung trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan ngang bộ trong Luật Tổ chức chính phủ; chưa được thể chế hóa quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Vì vậy nhận thức chuẩn chung của lãnh đạo, các các bộ ngành, địa phương và người dân về dịch vụ công còn rất khác nhau. Các bộ, ngành địa phương cũng gặp lúng túng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự trong việc tách bạch khối quản lý nhà nước và khối trực tiếp cung ứng dịch vụ công, dẫn đến tình trạng tăng biên chế hay phình to bộ máy. Trong khi đó những vấn đề đã được thực hiện xã hội hóa từ lâu như mở trường, bệnh viện, phòng khám tư, văn phòng công chứng, dịch vụ trợ giúp pháp lý, thực hiện BOT và BT trong xây dựng hạ tầng… thì lại chưa được quy định thuộc lĩnh vực dịch vụ công trong các luật chuyên ngành nên trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút nguồn lực xã hội trong cung ứng dịch vụ công.

Trưởng Ban soạn thảo Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội nghị

Ủng hộ nỗ lực xây dựng luật của đại biểu Quốc hội, tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hành chính công, tại hội nghị các đại biểu cũng cho rằng Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tập trung điều chỉnh ở những vấn đề cốt lõi liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hiện nay để các quy định của luật được rõ ràng và bảo đảm tính khả thi, kỳ vọng khi Luật được thông qua sẽ góp phần hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính. Cho rằng báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến dự án Luật hành chính công mới chỉ tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cũng đề nghị Ban soan thảo làm rõ thêm tình hình thực tiễn triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như trong giải quyết thủ tục hành chính, đánh giá hoạt động của các đơn vị sự nghiệm công lập, thực hiện dịch vụ công ích hay vấn đề xã hội hóa thực hiện dịch vụ công.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh đánh giá cao những ý kiến trao đổi, góp ý tại hội nghị và cho biết Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện báo cáo.

Theo dự kiến chương trình, dự án Luật Hành chính công sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=36890