Tổng kết 5 năm thi hành quy định 'Bảo tồn và phát triển văn hóa' trong Luật Thủ đô

Ngày 23-7, Sở Văn hóa & Thể thao cùng Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm về thi hành Điều 11 Luật Thủ đô.

Nhằm thực hiện tốt Điều 11 Luật Thủ đô về “Bảo tồn và phát triển văn hóa”, Sở VH&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thi hành như: Nghị quyết về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân về việc xây dựng các công trình văn hóa; Nghị quyết ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu...; Nghị định quy định mức tiền phạt đối vơi một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Sở đã chủ động trong việc nghiên cứu cập nhật văn bản của Trung ương để phối hợp với các đơn vị, các ngành có liên quan tham mưu bổ sung chỉnh sửa các văn bản đã ban hành.

Trong 5 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể luôn được quan tâm. TP Hà Nội đã đã hoàn thành tổng kiểm kê di tích toàn TP. Công tác quản lý và giải quyết các trường hợp vi phạm khu vực bảo vệ di tích được tăng cường. Công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng các di tích, việc tổ chức gắn biển các địa điểm, di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện hoa học, đúng quy trình.

Một số di tích tiêu biểu như: Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, ưa chuộng đối với khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.

Trống đồng Cổ Loa- 1 trong 14 bảo vật quốc gia của Thủ đô Hà Nội

Công tác kiểm kê, giám định di vật, cổ vật tại các điểm di tích đang triển khai mở rộng tại quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tính đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận cho 14 nhóm bảo vật quốc gia của Thủ đô với hàng trăm bảo vật quý giá đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, di tích chùa Tây Phương…

Đối với các di sản văn hóa vật thể đưa vào danh mục, TP đã tập trụng nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điển hình như: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ; bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống tiêu biểu; bảo tồn phát huy giá trị biệt thự cũ và các công trình xây dựng khác trước năm 1954.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, TP đã hoàn thành đề án tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, đổi mới và nâng cao chất lượng, nhiều chương trình, tiết mục dược khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nhiều nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô đã đạt được các giải thưởng tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT cho 127 nghệ sỹ, NSND cho 17 nghệ sỹ của Hà Nội.

Đặc biệt, trong công tác xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Sau nhiều năm chuẩn bị, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Qua hơn 1 năm triển khai, 2 bộ quy tắc đã tạo những chuyển biến tích cực trong việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Qua hơn 1 năm triển khai, 2 bộ quy tắc ứng xử đã tạo những chuyển biến tích cực trong việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, sinh hoạt tín ngưỡng- tôn giáo tại nơi thờ tự góp phần nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn TP. Phong trào giữ gìn trật tự, vệ sinh, văn minh đô thị, nhất là trong các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước được duy trì và phát triển.

Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực rộng, vừa đa ngành, có tính đặc thù và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Trong khi đó, cán bộ ngành văn hóa nói chung còn thiếu cán bộ được đào tạo về chuyên ngành Luật, do vậy gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham mưu văn bản quy định chi tiết, các văn bản quy phạm pháp luật thường bị kéo dài thời gian, chất lượng tham mưu chưa cao.

Đơn cử như Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 11-6-2013 của HĐND TP đã ban hành kèm theo danh mục các công trình văn hóa, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, thư viện được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư nhưng chưa ban hành loại trình công trình di tích.

Vì vậy, cần xây dựng văn bản quy định thực hiện quyền lợi của các tổ chức, cá nhân có đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên việc đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa không mang lại quyền lợi về vật chất như các loại hình khác.

Bên cạnh đó, di tích là công trình tôn giáo, tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư, do vậy, việc “tổ chức” hay “cá nhân” tự nguyện đóng góp cũng không thay thế được cộng đồng dân cư trong việc trông nom, bảo quản, giữ gìn, bảo vệ và tổ chức các hình thức phát giá trị nên rất khó xây dựng được quy định trong việc chia sẻ lợi ích về vật chất cũng như quyền lợi về tinh thần cho người đóng góp. Hiện, TP vẫn chưa ban hành văn bản quy định việc thực hiện quyền lợi cùa các tổ chức, cá nhân đóng góp tư nguyện (về quản lý nguồn thu công đức).

Theo ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, với chức năng là cơ quan chuyên trách thi hành Điều 11 Luật Thủ đô, Sở đã đề xuất các giải pháp khắc phục như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô, các Nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của TP; tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện, kíp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sụng danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội kết hợp công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác, bài trừ các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tong-ket-5-nam-thi-hanh-quy-dinh-bao-ton-va-phat-trien-van-hoa-trong-luat-thu-do-119175.html