Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' ngành Thông tin và Truyền thông

Sáng ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' ngành TT&TT.

Tham dự buổi lễ có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngành TT&TT; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam); Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Y Tế; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cùng một số đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT, báo đài các tỉnh, thành trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm thông báo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp đầy mạnh Cuộc vận động trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết: Đây là cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, nhằm khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát huy năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý. Thành công của Cuộc vận động tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự nhận thức, quyết tâm và hành động của 2 chủ thể quan trọng nhất đó là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Báo cáo tại Hội nghị, về công tác thông tin tuyên truyền, trong 10 năm diễn ra cuộc vận động, Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí in, báo chí điện tử, báo nói, báo hình, các cơ quan báo chí đối ngoại, các cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện, các trang thông tin điện tử tổng hợp trong cả nước.. .đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động trong giai đoạn 2009-2019 đến toàn thể các tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài thông qua các Hội nghị giao ban báo chí, Hội nghị giao ban công tác thông tin đối ngoại do Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại chủ trì.

Hàng năm, Bộ TT&TT đều ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thông qua công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, các cơ quan trong ngành Thông tin và Truyền thông đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về Cuộc vận động này, góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân.

Các tham luận tại Hội nghị đã đánh giá, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, các cơ quan báo, đài từ Trung ương đến địa phương đã tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Cuộc vận động; đã có hàng trăm ngàn tin, bài, ảnh, phóng sự và hàng trăm chuyên mục về "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được các cơ quan báo, đài sản xuất, đăng tải, phát sóng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.

Đặc biệt, đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 4 loại hình báo chí và truyền thông 3 cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để người tiêu dùng nhớ, tin và đi tìm sản phẩm trong nước. Việc tuyên truyền được làm thường xuyên, liên tục, đậm đặc và thuyết phục để tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt.

Ngoài việc thực hiện thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động thì các cơ quan báo chí cả nước còn tập trung đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo, định hướng của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và Ban chỉ đạo 389 quốc gia; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các Công điện của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần ổn định thị trường, thực hiện an sinh xã hội.

Nhìn chung, về ưu điểm, toàn ngành TT&TT đã chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp và tích cực triển khai Cuộc vận động theo đúng lộ trình và có hiệu quả; Bộ TT&TT đã kịp thời chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về chủ trương của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã tăng cường đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ kĩ thuật hiện đại, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ thương hiệu Việt thuộc lĩnh vực TT&TT; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TT&TT đều nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động; hiểu và đánh giá đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy kích cầu trong sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngành TT&TT phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ TT&TT cho biết: Sau 10 năm triển khai tích cực, đồng bộ và với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, có thể nói Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các cơ quan báo chí, truyền thông cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, Bám sát các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện về cơ chế, chính sách của Nhà nước, tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông thôn để sản phẩm, thương hiệu Việt chinh phục được người tiêu dùng trong nước;

Thứ hai, Tăng cường các thể loại và hình thức thông tin tuyên truyền đầy đủ, hấp dẫn, khách quan về các sản phẩm Việt và doanh nghiệp Việt;

Thứ ba, Tăng cường chuyên trang, chuyên mục định kỳ những vấn đề trọng tâm của cuộc vận động, đổi mới, nâng cao chất lượng cách thức truyền thông, tăng diện tích đăng tải, thời lượng phát sóng thông tin...

Thứ tư, Tiếp tục phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng mô hình, cách làm hay, gương điển hình tiêu biểu, nhất là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu;

Thứ năm, Sớm tham mưu cho Chính phủ và đẩy mạnh triển khai chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ “Make in VietNam”;

Thứ sáu, Các cơ quan, đơn vị trong Bộ nói riêng và trong ngành nói chung cần quan tâm sử dụng hàng nội địa khi mua sắm công, đầu tư cho đơn vị, doanh nghiệp mình, tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành phát huy nội lực, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tích cực nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động.

Xuân Nguyên/Sức Khỏe 365

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/tong-ket-10-nam-thuc-hien-cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-a277777.html