Tổng giám đốc WHO công bố bước ngoặt lớn của dịch virus corona

Có nhiều trường hợp nhiễm virus corona mới bên ngoài Trung Quốc hơn trong nước. Đây là bước ngoặt lớn đánh dấu sự lây lan toàn cầu của dịch virus corona.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có nhiều trường hợp nhiễm virus corona mới bên ngoài Trung Quốc hơn trong nước. Đây là một bước ngoặt lớn đánh dấu sự lây lan toàn cầu của dịch Covid-19.

Trong bài phát biểu khai mạc một cuộc họp ngắn về Covid-19 hôm 26/2, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, đã nhấn mạnh số lượng tăng lên các trường hợp mới ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bắt đầu, đang chậm lại trong khi ở một số quốc gia khác, dịch đã bắt đầu bùng phát.

“Hôm qua, lần đầu tiên số trường hợp nhiễm mới được xác nhận bên ngoài Trung Quốc đã vượt quá số trường hợp mới trong nước. Sự gia tăng đột ngột các trường hợp ở Italy, Cộng hòa Hồi giáo Iran và Hàn Quốc đều rất đáng lo ngại. Hiện có những trường hợp liên quan đến Iran ở Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman. Hiện cũng đã có các trường hợp nhiễm bệnh liên quan đến Italy ở Algeria, Áo, Croatia, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ", ông Ghebreyesus nêu rõ trong cuộc họp báo.

 Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO. Ảnh: AFP.

Theo thông báo của Tổng giám đốc WHO, một nhóm chuyên gia của WHO và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu đã đến Rome để xem xét các biện pháp y tế công cộng đang được áp dụng và hỗ trợ kỹ thuật. Một nhóm chuyên gia nữa của WHO cũng sẽ tới Iran vào cuối tuần này.

"Việc số lượng các trường hợp bên ngoài Trung Quốc nhảy vọt đã khiến một số kênh truyền thông và chính trị gia yêu cầu tuyên bố đại dịch. Chúng ta không nên quá vội vàng tuyên bố một đại dịch khi chưa phân tích cẩn thận và rõ ràng các sự kiện. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mức báo động cao nhất của chúng tôi", ông Ghebreyesus.

Theo giải thích của vị lãnh đạo WHO, sử dụng từ "đại dịch" tùy tiện không hề có lợi ích gì, nhưng lại rất rủi ro khi nó khuếch đại sự sợ hãi và kỳ thị vô căn cứ, và làm tê liệt các hệ thống. "Nó cũng ám chỉ chúng ta đã không thể ngăn chặn virus - điều này không đúng. Chúng ta vẫn đang chiến đấu và có thể chiến thắng nếu chúng ta làm đúng”.

Mặt nạ thời Cái chết Đen tại lễ hội ở Italy giữa dịch virus corona Người dân mang mặt nạ mỏ chim, diễu hành khắp phố ở San Barnaba (Venice). Đây là trang phục của các bác sĩ thời xưa dùng để giữ khoảng cách với bệnh nhân trong lúc chữa trị.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tong-giam-doc-who-cong-bo-buoc-ngoat-lon-cua-dich-virus-corona-post1052240.html