Tổng giám đốc Vinasport cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật?

Liên quan đến việc phản ánh những dấu hiệu sai phạm tại Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport), PV Báo Đời sống & Pháp luật đã bị TGĐ Vinasport cản trở, đe dọa trong quá trình tác nghiệp đúng pháp luật?

Kỳ III: Vì sao TGĐ Vinasport lại cố tình cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật?

Trụ sở Công ty Vinasport, nơi PV làm việc với ông Phạm Quang Anh

Những dấu hiệu sai phạm ở Vinasport bị bưng bít?

Như chúng tôi đã phản ánh qua loạt bài: Hé lộ những sai phạm nghiêm trọng ở Vinasport gây xôn xao dư luận?; Sai phạm tại Vinasport: Tòa án đề nghị xem xét khởi tố hình sự?. Theo đó, trước đây các cựu lãnh đạo đã đại diện cho Vinasport giao dịch mua Công ty Cao Huân. Nhưng khi làm thủ tục Thay đổi đăng ký kinh doanh, Công ty Cao Huân lại do 3 cá nhân đứng tên (Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn, Nguyễn Văn Hiền). Cơ quan bảo vệ pháp luật đã xác định, việc làm này là vi phạm pháp luật và đã khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên vừa qua, ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport đã chấp thuận nhận 15,4 tỷ đồng để “khắc phục hậu quả” của các cá nhân sai phạm nói trên. Sau đó 3 cá nhân nêu trên đã chuyển nhượng lại toàn bộ vốn tại Cty Cao Huân cho Công ty VIKO8. Việc làm này, khiến nhiều cán bộ, công nhân viên Vinasport bất bình và nghi ngờ rằng: Có hay không việc VIKO8 mua Công ty Cao Huân với giá cao hơn 15,4 tỷ đồng nhưng các cá nhân đứng tên góp vốn chỉ chuyển trả 15,4 tỷ đồng cho Vinasport để “khắc phục hậu quả”. Nếu vậy, nhà nước sẽ bị thiệt và việc TGĐ đồng ý nhận số tiền 15,4 tỷ đồng có thể chỉ là tạo cớ để các cá nhân bán Công ty Cao Huân - một tài sản của Vinasport.

Trong khi những nghi ngờ trên chưa được làm sáng tỏ thì TGĐ Phạm Quang Anh đã tự ý kí ủy nhiệm chi và cho chuyển toàn bộ số tiền 15,4 tỷ đồng nói trên ra khỏi tài khoản của Vinasport để trả Công ty An Phú- Hoàng Gia. (Trong khi Điều lệ Công ty quy định, TGĐ chỉ có thẩm quyền quyết định các giao dịch đến 1 tỷ đồng). Theo quy định khi TGĐ quyết định số tiền lớn hơn số vốn điều lệ công ty thì phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản…? Trong trường hợp này, TGĐ đã chuyển số tiền 15,4 tỷ đồng cho một đơn vị khác, trong khi tổng số vốn điều lệ của Vinasport là 12 tỷ đồng.

Người lao động mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ những "bất cập" ở Vinasport để tài sản nhà nước được bảo vệ, công ăn việc làm được ổn định

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Vinasport, các việc làm trên đều do TGĐ Phạm Quang Anh tự ý quyết định khi chưa được sự đồng ý của HĐQT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây là dấu hiệu vi phạm rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Sự việc trên đã diễn biến trong một thời gian dài theo chiều hướng ngày một nghiêm trọng hơn và có tác động đến nhiều lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến một phần vốn nhà nước, vậy mà không hiểu vì lý do gì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng chưa vào cuộc một cách rốt ráo để chỉ đạo giải quyết? Từ đó khiến dư luận nghi vấn, sự việc ở Vinasport có dấu hiệu bị ai đó “bưng bít”, che đạy sai phạm vì “lợi ích nhóm” không?

Cản trở, đe dọa PV tác nghiệp đúng pháp luật?

Để làm rõ những nghi vấn trên, Ban Biên tập báo Đời sống & Pháp luật đã cử PV liên hệ làm việc với Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam. Theo lịch hẹn, PV đến Công ty gặp TGĐ Phạm Quang Anh.

Nhưng ngay khi, PV vừa xuất trình giấy giới thiệu của Ban Biên tập theo đúng quy trình tác nghiệp báo chí được pháp luật bảo hộ, ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport đã bày tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan báo chí và PV đến liên hệ công tác. Tại đây, TGĐ Phạm Quang Anh yêu cầu PV phải có Thẻ nhà báo thì ông mới tiếp. Ông Phạm Quang Anh còn giới thiệu mình là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Dù PV đã giải thích, theo Luật Báo chí khi đến làm việc với cơ quan tổ chức, PV xuất trình giới thiệu của Ban Biên tập là đủ điều kiện tác nghiệp, nhưng TGĐ Phạm Quang Anh đã cố tình “né tránh” tiếp PV bằng những yêu cầu chưa phù hợp với các quy định hiện hành, thậm chí đã viện dẫn Luật Báo chí một cách chưa đầy đủ: “Mời em đi về. Điều 25 Luật báo chí quy định PV đến phải có thẻ nhà báo…”.

Một số người "lạ mặt" tự xưng là bảo vệ của Vinasport cản trở PV khi ra vào cổng vào Nhà máy của Vinasport tại Cụm Công nghiệp Bắc Thanh Oai

Theo phân công của Ban Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật, PV tiếp tục liên lạc với ông Phạm Quang Anh để làm rõ sự việc. Ngay khi biết người liên lạc là PV của cơ quan báo chí cử đến liên hệ công tác, ông Phạm Quang Anh đã khẳng định lại rằng “Giấy giới thiệu chẳng có giá trị gì với anh cả”. Đồng thời ông Phạm Quang Anh cũng thừa nhận tình hình hiện tại ở Vinasport “rất phức tạp”.

Không dừng lại ở đó, ông Phạm Quang Anh đã lớn tiếng xúc phạm nhân phẩm, danh dự của PV khi ông ám chỉ: “Anh đã gửi công văn sang cả Bộ Thông tin…Còn ba cái thằng lăng nhăng ấy ngày xưa nó hay thuê em đến việc nọ việc kia ấy thì nó không có tuổi gì ngồi nói chuyện với bọn anh. Thời bây giờ nó khác rồi. Đừng cầm ba cái đồng ranh, ba lăng nhăng ấy là em khổ đấy…”.

Khi nhóm PV xuống nhà máy của Vinasport tại Cụm Công nghiệp Bắc Thanh Oai, cũng đã bị một số người tự xưng là bảo vệ của nhà máy ngăn cản tác nghiệp. PV đề nghị những người tự xưng là bảo vệ này xuất trình giấy tờ có liên quan để khẳng định là nhân viên đang làm nhiệm vụ tại Vinasport thì những người này từ chối xuất trình. Chỉ khi PV giải thích rõ cho họ rằng, việc tự xưng là bảo vệ cơ quan để cản trở PV tác nghiệp báo chí là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì những người này đã vội từ chối "không liên quan gì" đến công ty Vinasport và nhanh chóng lảng đi chỗ khác.

Sau khi có lời lẽ xúc phạm PV, ông Phạm Quang Anh nhân danh TGĐ Vinasport đã ký văn bản gửi báo Đời sống và Pháp luật và cơ quan chức năng đề nghị “kiểm tra lại thông tin của nam thanh niên và hoạt động tác nghiệp”. Tại văn bản trên, ông Phạm Quang Anh đã thông tin sai sự thật về việc PV đến làm việc với Vinasport sau khi nghe ông viện dẫn Điều 25 của Luật Báo chí đã “đứng dậy bỏ về không làm việc”. Nhưng thực tế đoạn ghi âm buổi đối thoại giữa PV và ông Phạm Quang Anh cho thấy: Ông Phạm Quang Anh đã chủ động từ chối làm việc và “mời” PV đi về!

Ngày 22/10/2018, Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật đã ban hành công văn số 202/2018/CV – ĐSPL khẳng định PV đến liên hệ và làm việc với Vinasport theo Giấy giới thiệu của Ban Biên tập là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Việc ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport đã cố tình viện dẫn Luật Báo chí một cách không đầy đủ, đòi hỏi PV phải có thẻ nhà báo mà không chấp nhận Giấy giới thiệu, cản trở tác nghiệp là vi phạm pháp luật.

Mặc dù báo Đời sống & Pháp luật đã gửi công văn tới Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam ngày 22/10/2018 đề nghị hợp tác với phóng viên của Báo và cung cấp thông tin khách quan, trung thực đúng sự thật nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động tác nghiệp báo chí. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại báo Đời sống & Pháp luật chưa nhận được sự phản hồi chính thức nào từ phía ông Phạm Quang Anh và Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam.

Từ những diễn biến phức tạp của vụ việc, sự đe dọa, cản trở PV tác nghiệp và thái độ bất hợp tác của ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ PV và cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật.

Còn tiếp…

Nhóm PV điều tra

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tong-giam-doc-vinasport-can-tro-bao-chi-tac-nghiep-dung-phap-luat-55066.htm