Tổng giám đốc Eximbank nói gì về vụ hai nhân viên bị bắt?

Liên quan đến việc cơ quan chức năng bắt tạm giam hai nhân viên Phòng khách hàng của chi nhánh ngân hàng Eximbank tại TPHCM, chiều 26/3 ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank đã trao đổi với Tiền Phong về vụ việc.

Bộ Công an khám xét Ngân hàng Eximbank chi nhánh TPHCM ngày 26/3.

+ Ông có thể cho biết lý do việc hai nhân viên Phòng khách hàng của chi nhánh là Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam sáng 26/3?

- Ông Lê Văn Quyết: Có thể hai nhân viên này bị điều tra vì có liên quan đến vụ việc mất tiền của khách hàng Chu Thị Bình (người bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiền kiệm).

Trong khi ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Giám đốc chi nhánh TPHCM) bỏ trốn và bị Bộ Công an khởi tố, truy nã về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thì cơ quan điều tra đưa 2 nhân viên kể trên về để điều tra thêm thông tin.

Sở dĩ, 2 người này bị đưa đi điều tra có thể vì họ cũng có những sơ suất trong quy trình. Tuy nhiên, do tôi không ở TPHCM nên chưa biết được lý do 2 nhân viên này bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam.

+ Việc bồi thường cho khách hàng bị mất tiền đến nay vẫn chưa có kết quả, vì sao Eximbank phải chờ phán quyết của tòa án mới bồi thường cho khách hàng?

- Ông Lê Văn Quyết: Bà Bình có yêu cầu Eximbank thanh toán khoảng 260 tỉ đồng (trên 300 tỉ giá trị ban đầu thuộc 3 sổ tiết kiệm bà Bình đang lưu giữ). Tuy nhiên, 198 tỉ đã được chuyển từ các sổ tiết kiệm này vào tài khoản cá nhân của bà Bình tại VCB và BIDV, các lệnh chi này do chính bà Bình ký (chữ ký đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) xác nhận chữ ký bà Bình là đúng). Chuyển vào tài khoản bà N.T.H.Lê 36,7 tỉ đồng theo lệnh chi do chính bà Bình ký (C44 xác nhận chữ ký). Bà N.T.H.Lê rút 15,2 tỉ theo giấy ủy quyền do chính bà Bình ký (C44 xác nhận chữ ký bà Bình là đúng, chữ ký bà Lê là giả).

Số tiền còn lại 59 tỷ ngân hàng đã chi trực tiếp cho bà Bình khi tất toán 3 sổ này. Tuy nhiên, do bà Bình cho rằng bị lừa đảo, vì các nội dung liên quan đến các ủy quyền và lệnh chi mà bà đã ký nên hai bên tạm thời thỏa thuận để bà Bình tạm giữa bản chính các sổ tiết kiệm khi tất toán để chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Như vậy, cả 3 sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ đã không còn số dư và đã được tất toán. Do vậy, ngân hàng không thể thực việc chi trả cho bà Bình từ những sổ tiết kiệm này. Việc yêu cầu, khiếu nại của bà Bình liên quan đến vụ án hình sự đã được khởi tố. Do vậy, chỉ có phán quyết của tòa án có thẩm quyền mới đủ căn cứ pháp lý xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.

+ Số tiền “tạm ứng” này có phải là tiền trong tổng số tiền mà khách hàng bị mất hay không? Và tỷ lệ tạm ứng sẽ tính như thế nào để có số tiền trên?

- Ông Lê Văn Quyết: Sau khi vụ việc xảy ra, hai bên đã gặp nhau nhiều lần để trao đổi và hướng xử lý vụ việc, trong đó có đề xuất tạm ứng một phần khi chưa có phán quyết cuối cùng. Số tiền đề xuất tạm ứng nằm trong số tiền mà bà Bình cho là bà bị lừa và “thông báo kết quả điều tra” của công an cũng đã đề cập. Tuy nhiên, số tiền này thuộc các sổ tiết kiệm đã được tất toán đúng quy định (ngân hàng đã lưu giữ bản chính), và cũng xin nói rõ, văn bản của C44 (Bộ Công an) đề cập vấn đề này là “thông báo kết quả điều tra” chứ không phải là “Kết luận điều tra”. Số tiền tạm ứng dựa trên các chi tiết cụ thể của giao dịch đã được C44 xác nhận.

+ Nếu khách hàng không đồng ý nhận tiền “tạm ứng” vì lý do các điều khoản thương lượng. Vậy Ngân hàng có dự kiến sẽ thay đổi điều khoản, hoặc có những động thái tiếp theo nào đối với khách hàng?

- Ông Lê Văn Quyết: Tất cả các yêu cầu thanh toán của bà Bình đều liên quan đến các sổ tiết kiệm đã không còn số dư/tất toán, trong đó, các giao dịch đều do bà Bình triệu tập thực hiện chuyển vào tài khoản của chính mình tại VCB và BIDV, phần còn lại được thực hiện theo lệnh/ủy quyền của bà Bình (C44 xác nhận chữ ký của bà Bình là đúng, chữ ký người được ủy quyền là giả).

Số tiền tạm ứng ban đầu mà hai bên đang thảo luận về điều kiện “thương lượng” dựa trên xác nhận của C44 vì chữ ký của bà Bình bị làm giả. Tuy nhiên, số tiền này thuộc các sổ tiết kiệm hai bên đã thống nhất tất toán theo đúng quy định (Bản chính của sổ tiết kiệm bà Bình đã giao lại cho ngân hàng).

Do bản chất của vụ việc chưa được làm rõ, các khoản tạm ứng (nếu có) theo yêu cầu của bà Bình phải dựa trên nguyên tắc các bên thừa nhận phán quyết của tòa sẽ là ràng buộc cuối cùng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan.

+ Trách nhiệm của Eximbank đối với khách hàng trong vụ việc này thế nào?

- Ông Lê Văn Quyết: Trong trường hợp vụ việc xảy ra do lỗi hoàn toàn về ngân hàng, thì ngân hàng sẽ thực hiện hoàn trả ngay và xin lỗi với khách hàng. Tuy nhiên, như đã đề cập, vụ việc xảy ra đã lâu và đang liên quan đến vụ án hình sự với rất nhiều vấn đề phức tạp chưa được làm rõ, do vậy, ngân hàng chưa có cơ sở pháp lý để trả tiền ngay cho khách hàng. Hơn nữa, văn bản mà C44 đã đề cập “Eximbank là bên bị hại” là “thông báo kết quả điều tra” chứ chưa phải là “kết luận điều tra”, và ngay cả “kết luận điều tra” thì vụ việc vẫn phải chờ tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng.

Xin cám ơn ông!

Uyên Phương - Văn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/tong-giam-doc-eximbank-noi-gi-ve-vu-hai-nhan-vien-bi-bat-1254539.tpo