Tổng Giám đốc BHXH: Nếu không cải cách, tin học hóa thì bản thân cán bộ cũng xin bỏ ngành

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, nếu không cải cách, tin học hóa thì bản thân cán bộ cũng xin bỏ ngành và không thể hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, Bảo hiểm xã hội quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ.

Phấn đấu bàn không có tài liệu

Ngày 17/7, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm trưởng đoàn đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Báo cáo tại buổi làm viên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong năm 2017, cơ quan này đã tiến hành rà soát, đơn giản biểu mẫu, hoàn thiện quy trình trong tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và hưởng thụ.

Trên cơ sở đó, đã cắt giảm số thủ tục hành chính của ngành từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ bảo hiểm xã hội từ 20 ngày, thẻ bảo hiểm y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, phấn đấu giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội xuống còn 49 giờ; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 3.

Đặc biệt, đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo tại cuộc họp

Hiện tại, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, trong đó có Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Hệ thống này đã kết nối tới gần 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. Đến cuối năm 2017 đã tiếp nhận hơn 166 triệu hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trên toàn quốc đạt 98%...

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, đã có 70,6 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tiếp nhận qua Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế điện tử…

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, cải cách hành chính không thể không gắn với công nghệ thông tin. “Nếu không cải cách hành chính thì không bao giờ 2.500 cán bộ có thể giám định 170 triệu hồ sơ khám chữa bệnh một năm.” – bà Minh nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, nếu không cải cách, tin học hóa thì bản thân cán bộ cũng xin bỏ ngành và không thể hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, Bảo hiểm xã hội quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ.

“Chúng tôi yêu cầu hết tháng 7 ai trình lên bằng văn bản tôi không ký, phấn đấu bàn không có tài liệu nữa”, bà Minh cương quyết.

Về vị trí việc làm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại bởi tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực trong ngành này đang ngày một tăng.

“Bảo hiểm xã hội nghe có vẻ đông, 21 nghìn người nhưng quản lý thì ở đất nước này không có ngành nào mà quản lý 170 triệu hồ sơ khám chữa bệnh với 81 triệu người và 14 triệu tham gia bảo hiểm xã hội, giải quyết chính sách cho 10 triệu người tham gia bảo hiểm ngắn hạn, 3 triệu người hưởng lương hưu, kết nối với 12.000 cơ sở khám chữa bệnh, 500.000 doanh nghiệp." bà Minh dẫn chứng và nhấn mạnh, đây là mọt khối lượng mà không ngành nào như vậy.

"Anh em làm triền miên vào thứ 7, áp lực không chịu nổi. Rất nhiều con em chúng ta phải nghỉ”, bà Minh than thở.

Chứng minh cho lời nói của mình, bà Minh đưa ra con số 195 cán bộ, viên chức Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ việc. Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định gần đây cũng có 5 người xin nghỉ việc. Bác sỹ, dược sỹ cũng rải rác ra khỏi ngành, tìm đến ngành khác có điều kiện hơn.

Chính phủ 4.0 là phải có con người 4.0

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Nếu không có quyết tâm chính trị cao, sự phấn đấu của lãnh đạo ngành thì không thực hiện được.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, các chính sách của ngành có liên quan đến con người, đến tổ chức, việc xây dựng thể chế phải hạn chế tối đa thủ tục, không đưa ra nhiều điều kiện để rào đón.

“Nếu các đồng chí rào đón thì nó sinh thủ tục thôi. Tôi đã từng phát biểu chúng ta sợ 1 người gian mà chúng ta làm hại 100 người ngay thì sao cải cách thủ tục hành chính được”, ông Tân nói.

“Chúng ta nói Chính phủ điện tử, Chính phủ 4.0 là phải có con người 4.0. Nếu chúng ta đưa như thế thì tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức phải là 4.0 mới được vào đây” - ông Tân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý bên cạnh việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế, phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đặc biệt phải nghiên cứu mô hình quản lý.

“Không phải thấy đông quá chúng ta cứ giảm, quan trọng là mô hình quản lý nào phù hợp. Có mô hình quản lý mới xác định được vị trí việc làm. Biên chế có giảm hay không là ở chỗ này. Công nghệ 4.0 không phải là thất nghiệp, mất người đi đâu mà là giải quyết việc làm mới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201807/tong-giam-doc-bhxh-neu-khong-cai-cach-tin-hoc-hoa-thi-ban-than-can-bo-cung-xin-bo-nganh-608751/