Tổng giám đốc Azevedo khẳng định WTO 'có thể thay đổi' để làm an lòng Mỹ

Ngày 4/9, đáp lại lời đe dọa 'rút Mỹ khỏi WTO' của Tổng thống Donald Trump, Tổng giám đốc Roberto Azevedo cho biết Tổ chức Mậu dịch thế giới (World Trade Organization – WTO) đang tìm kiếm đối thoại để cải cách trong nhiều lĩnh vực. Liệu với động thái mềm dẻo này, ông Azevedo có cản được Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức mà ông Trump đã vài lần chỉ trích này không?

WTO “có thể thay đổi”

Phóng viên AFP dẫn lời ông Azevedo cho biết WTO mong muốn đối thoại với Mỹ nhằm giải quyết những mâu thuẫn xuất hiện gần đây giữa hai bên, hướng đến những thay đổi tích cực có thể có lợi cho Mỹ và những nước công nghiệp phát triển.

Theo ông Azevedo, quá trình đàm phán là vô cùng cần thiết để WTO đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng thành viên. "Tôi nghĩ các bên đã bắt đầu thảo luận" – ông Azevedo cho biết, ông nhắc đến đàm phán giữa Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement - NAFTA) cũng như những cuộc thảo luận giữa EU và Trung Quốc.

"Nếu WTO cải thiện, đây sẽ là tín hiệu phát triển đáng mừng" - ông Azevedo cho biết - "Tôi đối thoại rất cởi mở với đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Chúng tôi bàn luận tích cực về vấn đề này mọi lúc".

Được sự ủng hộ của Nhật Bản và EU, đại diện Thương mại Lighthizer, đã gây áp lực buộc Trung Quốc ngừng hoạt động trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước. Riêng WTO đã ban hành lệnh cấm đối với các gói trợ cấp thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời yêu cầu các nước thành viên phải báo cáo nếu muốn thực hiện trợ cấp. Tuy nhiên, Trung Quốc không thông báo lên WTO về chính sách trợ cấp đối với các doanh nghiệp sản xuất thép, động thái khiến ngành công nghiệp kim loại của quốc gia này trở nên quá tải, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường toàn cầu.

Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo trấn an Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa rút khỏi WTO (Ảnh: AFP)

Một trong những vấn đề ông Azevedo cam kết xem xét thay đổi, đó là việc WTO đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của tất cả 164 nước thành viên. Tuy nhiên, khi WTO có thêm nhiều thành viên, sự đồng thuận tuyệt đối ngày càng khó đạt được. Một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil không tìm được góc nhìn chung với Mỹ và các nước phát triển khác trong một số vấn đề.

Tổng giám đốc WTO nhận định các thỏa thuận đa phương trong một nhóm nhỏ các quốc gia, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ thông tin, là một sự thay thế hiệu quả. Washington cũng bất bình trước việc WTO không có khả năng giải quyết các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác mới phát sinh gần đây.

Mỹ sẽ rút khỏi WTO vì bị đối xử “tồi tệ”

Ngày 31/8, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu Mỹ vẫn tiếp tục bị đối xử “tồi tệ”. Sau tuyên bố, ông Trump công kích hệ thống mậu dịch quốc tế. "Nếu họ không cải thiện, tôi sẽ rút (nước Mỹ) khỏi WTO" - ông phát biểu trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Bloomberg tại phòng Bầu dục (Nhà Trắng).

Theo các phân tích gia, nếu điều đó xảy ra, tất yếu sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn nhiều so với chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung đang diễn ra quyết liệt bằng việc “ăn miếng trả miếng” thông qua mức thuế nhập 25% đánh vào hàng hóa của nhau, phá hủy hệ thống thương mại hậu Thế chiến II mà nước Mỹ đã dày công xây dựng.

Được biết vào tháng trước, ông Trump khẳng định Mỹ không gặp thuận lợi khi bị WTO đối xử "rất tồi tệ" trong nhiều năm, và cảnh báo WTO nên "thay đổi phương pháp".

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã từng khẳng định việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm vì WTO không có khả năng đối phó với một Trung Quốc không xây dựng nền kinh tế thị trường, nên đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Trump phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn với WTO.

Ông Lighthizer cũng cáo buộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vi phạm chủ quyền của Mỹ, đặc biệt trong vấn đề chống bán phá giá. Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán vào cơ quan kháng án của WTO, dẫn đến lo ngại rằng WTO sẽ phải ngừng hoạt động trong tương lai.

Ông Trump cho rằng nước Mỹ không được đối xử công bằng tại WTO nên muốn rút khỏi tổ chức này (Ảnh: AP)

Theo Bloomberg, từ sau Thế chiến II, các đời Tổng thống Hoa Kỳ liên tục đi đầu trong việc thiết lập và củng cố các quy định mậu dịch toàn cầu, lý giải rằng điều này sẽ giúp mang lại sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu. Việc WTO được thành lập năm 1994 đến từ nỗ lực của nhiều nước trên thế giới, mà Mỹ là dẫn đầu, nhằm tạo ra một diễn đàn giúp giải quyết tranh chấp mậu dịch.

Một trong số các cố vần của ông Trump đã từng than phiền về việc thẩm phán của WTO thường đưa ra quyết định bất lợi cho Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến hệ thống chống bán phá giá, dẫn đến việc có nhiều doanh nhân Trung Quốc ăn cắp mẫu mã cùng cách chế tạo máy móc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Một điểm nữa cũng gây bức xúc cho Mỹ: Khi có scandal, các quốc gia gửi khiếu nại lên WTO thường thắng thế và người bị kiện trong những vụ tranh chấp thương mại thường thua cuộc. Mỹ thua đến 90% những vụ khởi kiện nhằm vào Mỹ tại WTO, tuy nhiên, Mỹ cũng thắng đến 90% vụ kiện do họ khởi xướng, đồng thời cũng là nước khởi kiện nhiều nhất trong các thành viên WTO.

Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đầu nỗ lực đề xuất sửa đổi nhằm xoa dịu mối bất hòa Mỹ - WTO. Tuần trước, các quan chức EU và Nhật Bản đã đến Washington để thảo luận về vấn đề này và về nỗ lực chung nhằm chống lại Trung Quốc ở WTO.

Trong bối cảnh chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung đang ở cao trào, việc Tổng giám đốc Roberto Azevedo trấn an Tổng thống Trump để Mỹ ở lại WTO là dấu hiệu tích cực cho cả ông Trump lẫn WTO.

Thủy Tiên

(Theo AFP, CNN)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/tong-giam-doc-azevedo-khang-dinh-wto-co-the-thay-doi-de-lam-an-long-my-d69902.html