Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa: Thánh đồng đen

Nhằm tri ân vị tổng đốc đầu tiên của Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Đặng tộc Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo về đại thần Đặng Văn Hòa.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được những tham luận của các nhà nghiên cứu chia sẻ về thân thế đại thần Đặng Văn Hòa - là một “Nguyên lão tứ triều”, làm quan 40 năm, trải qua 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong triều có 6 bộ thì ông lần lượt giữ chức Thương thư cả 5 Bộ (Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Không những thế ông còn là Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành khác Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Phú Yên…

Đặc biệt từ năm 1853 đến khi qua đời 1856 ông được cử làm Tổng tài Quốc sử quán, được vua Tự Đức truy tặng danh hiệu Văn Minh điện Đại học sĩ, Thụy Văn Nghị. Ông cũng vị tổng đốc duy nhất được nhân dân và sỹ tử trí thức suy tôn là “Thánh đồng đen”.

Nhà nghiên cứu Đinh Thị Hải Đăng cho biết, đại thần Đặng Văn Hòa sinh ngày 15/6/1791 dưới thời vua Quang Trung, tại làng Thanh Lương, ở bờ Nam sông Bồ, nay là thuộc xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp quân sự của ông là vào năm Minh Mệnh thứ 12, 1831, quân Thanh xâm phạm biên giới chiếm bảo Phong Thổ, thuộc châu Chiêu Tấn, nay thuộc tỉnh Lai Châu. Vua cử ông tạm quyền chức tổng trấn Bắc Thành cùng với lãnh binh Nguyễn Đình Phổ chỉ huy quân và voi lên đối phó. Trải qua nhiều gian khổ, quân ta đã đẩy lùi địch. Ông cho trả khí giới và tù binh cho nhà Thanh để giữ gìn quan hệ giao hảo biên cương…

Sau khi thay đổi đặt tên tỉnh Hà Nội, ông được bổ làm tuần phủ, kiêm quản lý đê điều. Chưa tròn năm lại được thăng tổng đốc Định Yên (Nam Định – Hưng Yên). Ông khéo vỗ về, nên trộm cướp yên, tiền thóc thừa thãi. Vua Minh Mạng ban khen, chuẩn cho thực thụ Tổng đốc gia hàm Thái tử thiếu bảo.

Không những vậy, tên tuổi của đại thần Đặng Văn Hòa còn gắn liền với các công trình xây dựng ở Hà Nội. Ông đã bỏ tiêng riêng và kêu gọi thập phương cúng tiến để trung tu chùa Một Cột, Khuê Văn Các, lập miếu hỏa thần để chống hỏa hoạn. Ông sai vẽ bản đồ Hà Nội đầu tiên khi có cấp tỉnh. Đắp mộ hàng vạn quân Thanh, lập nghĩa trang, đàn cúng xây dựng văn chỉ huyện Thọ Xương… Ở Huế, đại thần Đặng Văn Hòa được trông coi xây dựng lăng Minh Mạng trang trí lại Điện Thái Hòa, soạn thảo bia Võ Công…

Với sử học, ông là người đứng đầu làm Tổng tài Quốc sử quán. Với việc trước tác Đặng Văn Hòa cho in các kinh điển nho học, duyệt các bộ hội điển, văn quy, sưu tầm thơ dân gian viết sách, sáng tác thơ làm phả…

Cùng với đó, về giáo dục ông từng làm chủ khảo các kỳ thi Hương, chấm kỳ thi chọn tiến sĩ, làm kinh diên giảng quan, giảng sách cho vua Tự Đức. Ông tìm mọi cách để giản tiện việc thi cử, có lợi cho sĩ tử. Ông cho đặt hướng trường thi hợp với địa thế.

Đặc biệt, năm 1837, Hà Nội lập trường thi ở địa điểm Thư viện Quốc gia hiện nay, ông cho hướng ấy là cao ráo, hợp cách “Hồi long cố thủ” (Rồng quay về đất tổ) sẽ phát văn chương. Không nhưng vậy về hình luật, trong 9 năm làm Thượng thư bộ Hình ông đã cho xét lại các hình án các tỉnh lưu cữu chồng chất, làm cho nhiều người can phạm được xét án. Ông xin ân xá cho nhiều tội nhân bị xử án tử, xin bỏ xiềng xích cho người bị đi đầy.

Việc xưa nay rất ít thấy là năm 1846 xin cho nhiều tù nhân ở kinh về nhà ăn Tết 15 ngày. Với những quan lại cao cấp phạm tội, không làm nổi chức vị bôi xấu nhau, hoặc dùng binh lính làm việc riêng cho gia đình mình, ông đều nghiêm trị. Ngoài ra, ông còn phạt bọn nha lại cân đông gian xảo, làm khổ người buôn bán, xin ban điều lệ cấm hút thuốc phiện…

Bên cạnh đó, theo TS Vương Thị Hường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm phân tích, ở thời Nguyễn có hai phái là phái gìn giữ, tôn tạo đê điều và phái ngược lại. Đặng Văn Hòa là người đứng đầu phái giữ gìn trên.

Qua đó, thấy rõ ông là người mẫn cán luôn chủ động năm chức tình hình đê điều thực tế. Hiểu về những con đê, hiểu về quy luật dòng chảy nhưng ông không chủ quan, áp đặt suy nghĩ của mình mà luôn tôn trọng những kinh nghiệm của người dân tại vùng lũ lụt. Qua các bản tin đầy sức thuyết minh, với những phân tích được thua, rõ ràng những chứng minh của ông là người đi hoạch định kinh tế rất giỏi.

Còn về lý do vì sao dân và các sỹ tử tri thức tôn ông là “Thánh đồng đen”, nhà báo Trần Minh Thu lý giải: “Mỗi khi Hà Nội xảy ra hỏa hoạn, ông lại cưỡi voi đốc thúc binh lính và nhân dân đi dập lửa… Người ông bị ám khói đen xì, chỉ còn 2 còn mắt lanh lợi”.

Cũng theo nhà báo, cứu hỏa xong, ông còn đi cứu trợ ngay cho gia đình bị nạn để họ ổn định cuộc sống. Thông qua qua đó muốn nhắc nhở dân chúng nâng cao ý thức cảnh giác với lửa. Đặc biệt năm 1838, ông đã lập miếu thờ Hỏa thần ở thôn Yên Nội (nay là 30 phố Hàng Điếu) sớm chiều thỉnh chuông, có lưu bút tích tại đền là “Vị dân chi kế”.

Chính vì lý do đó người dân Hà Nội yêu quý, gọi ông là là “thánh đồng đen”- thần cứu hỏa duy nhất của Việt Nam. Song song với việc trị thủy là trị hỏa. Ông cho làm cột báo mực nước sông, đắp đường quai, gia cố đê điều, đề phòng bão lũ, vỡ đê, gây ngập lụt ở đồng bằng sông Hồng. Ông khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất, chăn nuôi, mở rộng tịch điền, không được để đất hoang hóa.

“Thương dân, ông làm sớ tấu với triều đình xin bớt thuế cho dân. Quân Thanh xâm phạm biên giới quốc gia, ông cầm quân tiến đánh quân xâm lược, lấy lại đồn Phong Thổ thu hồ đất đai”- nhà báo Trần Minh Thu chia sẻ.

Các đại biểu cũng đã kiến nghị Thủ đô Hà Nội hay tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, TP HCM… những nơi Đặng Văn Hòa đã làm Tổng đốc sẽ có tên đường hoặc các công trình văn hóa mang tên ông. Đặc biệt, tại Lai Châu - khu vực xưa kia có đồn Phong Thổ cũng cần có đường phố, công trình văn hóa mang tên Đặng Văn Hòa để khích lệ tinh thần tự cường dân tộc trong việc bảo vệ biên cương.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tong-doc-ha-noi-dang-van-hoa-thanh-dong-den-tintuc415256