Tổng doanh thu từ ngành nghề nông thôn cả nước đạt 236.200 tỷ đồng/năm

Cả nước hiện có hơn 817.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn, tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề này đạt 236.200 tỷ đồng/năm, tăng 20,5% so với năm 2017.

Đó là thông tin được nêu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định số 52) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23-11. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.

Quang cảnh hội nghị.

Ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định số 52 gồm 7 nhóm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý chế biến nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn...

Nghị định số 52 có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các làng nghề về mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề...

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, ngay sau khi Nghị định số 52 được ban hành (năm 2018), các bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương cũng đã phê duyệt và thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; xây dựng các chính sách hỗ trợ... Nhờ đó, ngành nghề nông thôn tiếp tục có bước phát triển.

Cả nước hiện có 165 nghề truyền thống, gần 2.000 làng nghề, hơn 1.200 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và thợ giỏi đã được công nhận; hơn 817.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn với tổng doanh thu từ các hoạt động của ngành nghề đạt 236.200 tỷ đồng/năm, tăng 20,5% so với năm 2017. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi... Tất cả đều chung mục tiêu là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiệu quả kinh tế ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp; đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa; sản phẩm nông dân làm ra có chuỗi giá trị chưa cao, chưa ổn định...

Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước, ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề và làng nghề truyền thống...

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/984324/tong-doanh-thu-tu-nganh-nghe-nong-thon-ca-nuoc-dat-236200-ty-dongnam