Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ thị tăng cường quản lý, chống gian lận xuất xứ

Các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được ngành Hải quan tiếp tục thực hiện đồng bộ, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Ảnh TH

Các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Ảnh TH

Nhiều thủ đoạn đã bị vạch trần

Đây là nội dung Chỉ thị 7988/CT-TCHQ vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hành để chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, một số quốc gia đang có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch và tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ... với mức thuế rất cao nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia ký kết, đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường đối tác sẽ được áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng cam kết nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định. Đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Trước tình hình đó, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo quyết liệt áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, bước đầu đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm.

Điển hình như vụ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng để tiêu thụ trong nước của Công ty TNHH Thịnh Hòa khai báo trên tờ khai hải quan nhập khẩu là quần áo các loại, xuất xứ Trung Quốc thực tế kiểm tra xác định trên hàng thể hiện xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc; hay vụ việc Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh nhập khẩu lò nướng thủy tinh nguyên chiếc, xuất xứ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm in nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" kèm số đường dây nóng 18001035….

Cơ quan Hải quan cũng vạch trần hành vi giả mạo xuất xứ để xuất khẩu nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu với các phương thức, thủ đoạn như: Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ, chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì, sản phẩm in dòng chữ Made in Vietnam, trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam... tập trung vào một số nhóm mặt hàng trọng điểm như gỗ dán, gỗ ván ép, xe đạp, xe đạp điện, nồi cơm điện, đồ gia dụng, giày thể thao, quần áo...

Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan Hải quan số vụ việc phát hiện, bắt giữ chưa tương xứng với tình hình thực tế, một số hành vi chưa được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Kiên quyết đấu tranh với hành vi gian lận

Chính vì vậy, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, tại Chỉ thị 7988/CT-TCHQ, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, các đơn vị quán triệt nội dung Chỉ thị đến các đơn vị và toàn thể CBCC thuộc đơn vị; xây dựng kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả các nội dung công việc đã nêu trong Chỉ thị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, đơn vị nào để xảy ra tình trạng bỏ lọt hành vi vi phạm, không phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua địa bàn quản lý thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Hải quan.

Thứ hai, các đơn vị phải xác định phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm trốn thuế, đánh lừa người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cấp bách của ngành Hải quan.

Thứ ba, thực hiện thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, hàng hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp đấu tranh, điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện nội dung hướng dẫn tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 của Tổng cục Hải quan về kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, Kế hoạch số 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019 của Tổng cục Hải quan; quán triệt đến từng CBCC hải quan về nhiệm vụ, yêu cầu của công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

Thứ năm, triển khai chiến dịch cao điểm về phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp đến hết năm 2020: Kiểm soát chặt chẽ tại khâu thông quan, tập trung lực lượng tiến hành kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm.

Đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến sang Hoa Kỳ, hàng hóa nhập khẩu có thuế suất cao, kim ngạch nhập khẩu lớn, tần suất nhập khẩu nhiều và những mặt hàng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần tập trung kiểm tra kỹ và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm được phát hiện. Chuyển luồng kiểm tra 100% hoặc lấy mẫu để xác minh đối với các lô hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ có rủi ro cao về gian lận xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp biết, thực hiện, đồng thời phối hợp với cơ quan hải quan để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp.

Thứ bảy, việc xử lý các hành vi vi phạm đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Thứ tám, trong quá trình thực hiện các quy định về quy trình, thủ tục hải quan đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trường hợp công chức hải quan không thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn tại các các văn bản quy phạm pháp luật, nội dung Chỉ thị này và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì thực hiện xử lý, kỷ luật đối với công chức, viêc chức, người lao động trong ngành Hải quan theo đúng hướng dẫn tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tong-cuc-truong-tong-cuc-hai-quan-chi-thi-tang-cuong-quan-ly-chong-gian-lan-xuat-xu-117839.html