Tổng cục Thuế lên tiếng về những băn khoăn trong dự thảo Luật Thuế (sửa đổi)

Thất thu thuế lớn, quy định ngân hàng thương mại (NHTM) cung cấp số dư tài khoản của khách hàng cho ngành Thuế hay 'đẩy' Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ra ngoài cuộc chiến chống thất thu ngân sách… là một loạt vấn đề gây băn khoăn được Quốc hội tranh luận chiều 15-11 xung quanh Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Sáng 16-11, Tổng cục Thuế đã có cuộc họp báo đột xuất để 'giải trình' về những vấn đề này.

95-97% doanh nghiệp trong diện rủi ro có sai phạm về thuế

Đây là thông tin chính thức được đại diện Tổng cục Thuế đưa ra để trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh ý kiến của Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn và dẫn ví dụ đối chiếu các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu cho thấy chính việc chọn không chính xác nên nhiều DN sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế.

Giải trình về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Lai - Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết khi KTNN tiến hành kiểm toán ngân sách tại 1 địa phương, sẽ có 1 tổ kiểm toán tại cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều đã có các văn bản chỉ đạo Cục Thuế các địa phương phối hợp chặt chẽ, cung cấp hồ sơ cho cơ quan kiểm toán.

Ngành Thuế cho rằng việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế. Ảnh minh họa

Sau khi kết thúc, cơ quan kiểm toán sẽ lập biên bản kiểm soát, đối chiếu, từ đó ra số chênh lệch về thuế, những sai phạm về thuế của các DN. Theo ông Lai, có thể thời điểm KTNN vào kiểm toán thì DN chưa kê khai thuế, nhưng sau đó DN đã kê khai bổ sung vì Luật Quản lý thuế hiện hành cho phép khai bổ sung và chịu tiền phạt chậm nộp.

Tuy nhiên ông Lai cũng cho rằng ngay cả khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra cũng phát hiện một tỷ lệ sai phạm lớn lên tới 95-97%. Tuy nhiên, đại diện ngành Thuế nhấn mạnh rằng con số 95-97% này là nằm trong số những DN có nguy cơ rủi ro cao về thuế, và đã được Thanh tra Thuế đưa vào “tầm ngắm”, chứ không phải là tỷ lệ trên số lượng đại trà DN đang hoạt động trên cả nước.

“Điều này cho thấy tính hiệu quả của việc quản lý rủi ro về thuế”, đại diện ngành Thuế cho biết và “thanh minh” thêm về tỷ lệ DN sai phạm dù lớn, nhưng mức độ sai phạm của các DN là khác nhau, có DN bị phát hiện sai phạm lên tới 1.850 tỷ đồng, nhưng cũng có DN sai số chỉ khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. “Cái này phụ thuộc vào năng lực của kế toán DN.

Hiện nay, theo quy định của Luật quản lý thuế, DN tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng DN. Hiện chính sách của ta chưa đồng bộ với hành vi cụ thể ngoài thực tiễn.

Hơn nữa, ngay như Luật Quản lý Thuế mới có hiệu lực 10 năm nay nhưng đã phải tới 3 lần sửa đổi, và lần thứ 4 này là thay thế, nên trong quá trình hoạt động bên ngoài, DN cũng chịu những sự biến động, tác động khách quan, nên có những lúc không chuẩn xác. Vì thế, con số tỷ lệ 95-97% tuy cao nhưng nó chỉ là con số thống kê, không hẳn tất cả đều là sai phạm nghiêm trọng”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Ngành Thuế “hứa” bảo mật thông tin khách hàng

Một trong những vấn đề gây tranh cãi là Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp số dư tài khoản của khách hàng theo yêu cầu của cơ quan thuế. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp vì yêu cầu đảm bảo bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Tổng cục Thuế) khẳng định kế thừa quy định tại Luật Quản lý thuế về việc NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định này tại Khoản 2 Điều 27 quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, chỉ bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế.

Theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nộp thuế (trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng) là phù hợp với quy định của Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động (hiện nay đã có 51 Ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 Ngân hàng đã triển khai). Hiện cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn DN nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của Ngân hàng.

Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế: Mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế; đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.

“Như vậy, nội dung quy định như dự thảo Luật về nhiệm vụ, trách nhiệm của NHTM đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước”, ông Huy thông tin và “hứa” ngành Thuế sẽ nâng cấp công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả hơn. Ngoài ra, ông Huy cho biết về những vấn đề khác, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thêm cho quy định đầy đủ, rõ ràng đảm bảo thực hiện có hiệu quả.

Dự thảo Luật Quản lý thuế có “đẩy” Kiểm toán Nhà nước ra ngoài?

Thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc có hay không Dự thảo luật “đẩy” KTNN ra ngoài, hạn chế, thu hẹp quyền của các chủ thể KTNN trong công cuộc chống thất thu ngân sách? Ông Lưu Đức Huy cho biết theo quy định hiện hành, cơ quan KTNN chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn Ngân sách nhà nước.

Hiện nay, được biết KTNN đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán bằng Nghị quyết của UBTV Quốc hội để quy định chi tiết Điều 4, Điều 55 của Luật KTNN theo hướng KTNN thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp NSNN. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Do đó, Luật quản lý thuế không quy định nội dung này. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chỉ quy định việc xử lý kết luận của thanh tra, KTNN khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

“Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình với ý kiến các đại biểu: Trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quan quản lý thuế phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan thuế, Cơ quan Thanh tra hoặc KTNN chỉ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thông qua các hồ sơ mà người nộp thuế nộp cho Cơ quan thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp. Việc kiểm toán tại trụ sở cơ quan quản lý thuế chỉ lập biên bản kiểm tra, đối chiếu số liệu với người nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế thì tính hiệu lực pháp lý chưa cao”, ông Huy cho biết.

Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thong-tin-phap-luat/tong-cuc-thue-len-tieng-ve-nhung-ban-khoan-trong-du-thao-luat-thue-sua-doi-520453/