Tổng cục Quản lý thị trường 'bắt tay' Cục Công nghiệp An ninh triển khai giải pháp chống hàng giả trên môi trường online

Sáng ngày 8/11 tại trụ sở Tổng cục QLTT đã diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục QLTT và Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công An nhằm triển khai có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT đến năm 2025 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị; bảo đảm việc tổ chức thực hiện phần việc phối hợp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị thực chất, kịp thời, hiệu quả.

Theo nội dung hợp tác, Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an sẽ chỉ định đơn vị chuyên môn thực hiện việc ứng dụng tem điện tử xác thực và tra cứu, truy vết mã tem trong quản lý lưu thông vào việc chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Hai đơn vị sẽ cùng phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và quản lý lưu thông hàng hóa nói chung.

Tổng cục QLTT sẽ phối hợp với Cục Công nghiệp an ninh xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực xử lý tranh chấp, khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử.

Trước đó, ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Theo chức năng được giao, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương là đơn vị được giao thực hiện Đề án. Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an được giao là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về lĩnh vực công nghiệp an ninh và trực tiếp quản lý các doanh nghiệp Công an.

Việc ký biên bản ghi nhớ khẳng định sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Công nghiệp An ninh, nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án góp phần bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT, đồng thời cho biết đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của toàn lực lượng QLTT trong thời gian tới.

Trước sự phát triển của TMĐT, đặc biệt sau dịch Covid-19, TMĐT phát triển bùng nổ, chính vì vậy, năm 2023, Tổng cục QLTT đã tham mưu Bộ Công Thường trình Chính phủ ký ban hành Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT đến năm 2025.

"Đây là Đề án trọng điểm được Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị đặt trọng tâm triển khai". Về phía Bộ Công Thương, để triển khai có hiệu quả đề án này, Bộ đặt ra 04 nhóm nhiệm vụ chính phải triển khai, như: điều chỉnh về mặt chính sách; tuyên truyền phổ biến; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát và đặc biệt cần có thiết bị, công cụ, phương tiện kỹ thuật online để phát hiện vi phạm trên TMĐT.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác

Dẫn chứng về lý do cần điều chỉnh về mặt chính sách, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng chính sách hiện nay đang thiếu và phải có những thay đổi mới, ví dụ như nghị định về TMĐT.

"Trước đây nghị định được ban hành với mục đích để cho TMĐT phát triển, vì vậy tương đối mở. Tuy nhiên, với tốc độ TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần phải có những giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Đã đến lúc quy định và đối xử với môi trường online như offline, phải định danh được người mua và người bán" Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

Mặc dù trong thời gian qua, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống hàng giả. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa thực sự có những giải pháp tối ưu, biện pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả chống hàng giả 100%. Đơn cử đối với Hàn Quốc, hiện nay vẫn sử dụng biện pháp dùng QR code để dán lên trực tiếp lên từng sản phẩm nông sản, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm chính hãng.

Hiện nay các biện pháp kỹ thuật nhằm chống hàng giả được rất nhiều người quan tâm. Do vậy, Tổng cục QLTT kỳ vọng hai đơn vị sẽ cùng phối hợp đề xuất ra các giải pháp, từ mặt chính sách đến phương tiện công cụ kỹ thuật nhằm triển khai có hiệu quả công tác này.

Chung quan điểm với Lãnh đạo Tổng cục QLTT, thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an chia sẻ, vấn đề hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt trên TMĐT là một trong những lĩnh vực quan trọng được Cục Công nghiệp an ninh quan tâm. Trong thời gian qua, lực lượng Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT đặc biệt ở các địa phương phát hiện, xử lý nhiều vi phạm đối với lĩnh vực này trên cả thị trường truyền thống và TMĐT.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả công tác này cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng mới có thể đáp ứng kỳ vọng của người dân. Việc Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an phối hợp với Tổng cục QLTT triển khai các giải pháp chống hàng giả trên môi trường online là một minh chứng thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong TMĐT, bảo vệ doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Trung tá Đỗ Phi Long, Phó Tông Giám đốc in Ba Đình kiêm Giám đốc Trung tâm Tem và vật liệu chống giả cho biết, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019 với nhiệm vụ sản xuất và cung cấp những giải pháp về tem điện tử; cung cấp hệ thống dịch vụ, hệ thống công nghệ để phục vụ ứng dụng trong chuyển đổi số trong giai đáp hiện nay. Điều này phù hợp với yêu cầu của Đề án 319 trong việc triển khai giải pháp ứng dụng chống gian lận thương mại, hàng giả trên các sàn TMĐT.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị; bảo đảm việc tổ chức thực hiện phần việc phối hợp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị thực chất, kịp thời, hiệu quả

Việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị; bảo đảm việc tổ chức thực hiện phần việc phối hợp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị thực chất, kịp thời, hiệu quả

Theo đó, sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, đầu mối được giao phối hợp giữa hai đơn vị sẽ tiến hành họp bàn nhằm đưa ra lộ trình triển khai cụ thể trong thời gian tới.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tong-cuc-quan-ly-thi-truong-bat-tay-cuc-cong-nghiep-an-ninh-trien-khai-giai-phap-chong-hang-gia-tren-moi-truong-online-20241110084154438.htm