Tổng cục Hải quan trả lời nhiều vướng mắc về Nghị định 59 và Thông tư 39

Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Thông tư số 39/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 5/6/2018, đây là hai văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng. Sau một tháng thực hiện, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận và trả lời một số câu hỏi của hải quan địa phương.

CBCC hải quan hướng dẫn DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Ảnh: N.Linh

Tháo gỡ vướng mắc về phương tiện quay vòng

Liên quan đến thực hiện Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Cục Hải quan Cần Thơ phản ánh: Theo tiết a, điểm 2, Khoản 38 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 67 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định “Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu nhập cảnh... tiếp nhận thông tin tàu chuyển cảng do cảng vụ hàng hải, hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu chuyển đến, lập Phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng theo chỉ tiêu thông tin quy định của Bộ Tài chính gửi đến chi cục hải quan nơi tàu dự kiến đến”. Tuy nhiên, Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018 của Bộ Tài chính chưa ban hành chỉ tiêu thông tin khai báo Phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng. Cục Hải quan Cần Thơ đề nghị Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống, bổ sung chỉ tiêu thông tin khai báo Phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trả lời vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết: Tại mẫu số 1 (phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng) - Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/05/2018 đã quy định các tiêu chí thông tin khai báo Phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng. Tuy nhiên, do Hệ thống một cửa quốc gia hiện đang trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện nên các tiêu chí nêu trên chưa được bổ sung kịp thời trên Hệ thống. Do vậy, Tổng cục Hải quan ghi nhận để nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia.

Trong thời gian Hệ thống chưa nâng cấp mà phát sinh thủ tục chuyển cảng, cục hải quan tỉnh, thành phố lập phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng bản giấy để thực hiện thủ tục tàu chuyển cảng theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 38 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.

Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hỏi về tạm nhập tái xuất theo phương thức quay vòng đối với phương tiện bồn có chứa khí, chất lỏng. Theo đó, căn cứ khoản 7 Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về địa điểm làm thủ tục hải quan: “Chi cục hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục NK hàng hóa phục vụ gia công, sản xuất XK”. Căn cứ điểm 5 khoản 22 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP về địa điểm làm thủ tục hải quan: “Thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu”. Tuy nhiên, hàng hóa chứa trong phương tiện quay vòng, doanh nghiệp hiện tại đang làm thủ tục tại chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư với mã loại hình A12. Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đề nghị để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp mở tờ khai tại Chi cục hải quan Quản lý Hàng đầu tư.

Tổng cục Hải quan trả lời câu hỏi trên như sau: Đối với phương tiện quay vòng là bồn chứa khí, chất lỏng có kết cấu ổn định, bền chắc, được sử dụng chuyên dùng chứa và vận chuyển khí, có số ký hiệu in cố định trên vỏ mặt bồn, và chuyên chở bằng xe ô tô chuyên dùng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP, thủ tục hải quan được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu.

Đối với phương tiện quay vòng là bồn chứa khí, chất lỏng khác: thủ tục hải quan thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan nơi làm thủ tục NK hàng hóa phục vụ gia công, sản xuất hàng XK.

Đóng ghép hàng hóa phải được thực hiện trong kho CFS

Liên quan đến thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC, nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương đã được hướng dẫn, giải đáp cụ thể.

Theo đó, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hỏi: "Thông tư số 39/2018/TT-BTC chưa quy định cụ thể việc lưu trữ hồ sơ điện tử của cơ quan Hải quan thế nào? Cơ quan Hải quan có phải in các chứng từ điện tử trên hệ thống ra để lưu không? Nếu có thì phải in những chứng từ nào (chỉ in các chứng từ quy định bản phải nộp là bản chụp hay tất cả các chứng từ)? Trường hợp doanh nghiệp phải scan và nộp tất cả các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (bản chính và bản chụp, bản sao công chứng) trên Hệ thống thì cơ quan hải quan chỉ in các chứng từ phải nộp là bản chụp để lưu cùng bản chính là bản giấy do người khai hải quan nộp trực tiếp hay phải in tất cả các chứng từ điện tử và lưu cùng bản chính là bản giấy do người khai hải quan nộp trực tiếp?".

Trả lời vấn đề trên, Tổng cục Hải quan cho biết: Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan gửi qua hệ thống, cơ quan Hải quan không phải in để lưu trữ. Trừ trường hợp các chứng từ theo quy định người khai hải quan phải nộp bản chính (như: Giấy phép, giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành,...) hoặc các chứng từ phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan (như: phiếu ghi kết quả kiểm tra, văn bản đề xuất chuyển luồng, văn bản đề nghị dừng đưa hàng qua khu vực giám sát, lập biên bản chứng nhận, biên bản vi phạm, quyết định xử lý… ) thì công chức hải quan thực hiện việc quản lý, hoàn chỉnh hồ sơ in thông tin chung của tờ khai hải quan (2 trang đầu của tờ khai hải quan, không in chi tiết dòng hàng), lưu kèm với các chứng từ nêu trên.

Liên quan đến khai hải quan, Cục Hải quan Quảng Nam đặt câu hỏi: Tại điểm 2, Công văn số 6376/TCHQ-GSQL ngày 14/7/2015 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thông tư 38/2015/TT-BTC quy định cách thực hiện đối với hàng hóa XK của 2 chủ hàng cùng đóng chung 1 container.

Thông tư 39/2018/TT-BTC chỉ hướng dẫn khai báo đối với trường hợp hàng đóng chung container của nhiều tờ khai XK của cùng 1 chủ hàng, không hướng dẫn việc đóng chung container của nhiều tờ khai XK của nhiều chủ hàng. Như vậy, trường hợp trên có tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 6376/TCHQ-GSQL ngày 14/7/2015 của Tổng cục Hải quan không.

Về vấn đề trên, Tổng cục Hải quan trả lời như sau: Theo khoản 4 Điều 4 và khoản 3 Điều 61 Luật Hải quan thì địa điểm thu gom hàng lẻ là khu vực kho, bãi dùng để thực hiện các hoạt động thu gom, chia, tách hàng hóa của nhiều chủ hàng vận chuyển chung container. Hàng hóa được đưa vào địa điểm thu gom hàng lẻ gồm hàng hóa NK chưa làm thủ tục hải quan, hàng hóa XK đã hoàn thành thủ tục hải quan hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng việc kiểm tra thực tế hàng hóa sẽ được thực hiện tại địa điểm thu gom hàng lẻ.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động tại cảng biển đã phát sinh các vướng mắc, bất cập liên quan đến hàng hóa XK của nhiều chủ hàng đóng chung container ngoài CFS hoặc ngoài khu vực cửa khẩu. Do vậy, tại Thông tư 39/2018/TT-BTC đã sửa đổi lại quy định về hoạt động đóng ghép, chia tách đối với các lô hàng của nhiều chủ hàng vận chuyển chung trong container tại Thông tư 38, theo đó, các hoạt động chia tách, đóng ghép hàng hóa phải được thực hiện trong kho CFS. Những văn bản hướng dẫn không phù hợp với Thông tư 39 sẽ không còn giá trị để thực hiện.

Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp căn cứ các quy định dẫn trên để thực hiện thủ tục đóng ghép lô hàng chung container theo đúng quy định tại khoản 32 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tong-cuc-hai-quan-tra-loi-nhieu-vuong-mac-ve-nghi-dinh-59-va-thong-tu-39.aspx