Tổng cục Hải quan kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che công chức vi phạm

Từ vụ việc có thông tin phản ánh 'làm luật' ở cửa khẩu quốc tế Tây Trang, 3 CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Cục Hải quan Điện Biên) đã bị tạm đình chỉ công tác để thực hiện thẩm tra, xác minh. Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, cầu thị, Tổng cục Hải quan khẳng định quan điểm sẽ không bao che, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long. Ảnh: N.Linh

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long. Ảnh: N.Linh

Điện tử hóa để ngăn ngừa

Trong bối cảnh hơn 11.000 CBCC hải quan hàng ngày, hàng giờ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên cả nước, nhất là các công chức hải quan làm việc tại cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan thường xuyên tiếp xúc với tiền, hàng hóa…. luôn tiềm ẩn khả năng và thực tế đã phát sinh các hành vi tham nhũng, gây phiền hà, sách nhiễu thậm chí móc nối để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế...

Vì vậy, Tổng cục Hải quan xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phiền hà sách nhiễu, tiêu cực gắn liền với công tác xây dựng lực lượng liêm chính, chuyên nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Tổng cục Hải quan đã chủ động áp dụng hải quan điện tử toàn diện để công khai, minh bạch quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và doanh nghiệp được ngành Hải quan chú trọng triển khai trong thời gian qua như: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) xử lý tự động các quy trình thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc; là Cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Chính phủ (ban hành tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018).

Đồng thời, hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) đã kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan; việc nộp thuế điện tử (E-payment) kết nối Hải quan, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại. Quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện thủ công do công chức hải quan thực hiện hoặc bằng máy móc, thiết bị, các biện pháp khác, trong đó có biện pháp kiểm tra không xâm nhập bằng máy soi.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan chủ động xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy trình nghiệp vụ rõ ràng, công khai, minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tránh nhũng nhiễu tiêu cực của cán bộ hải quan. Tất cả các quy định hiện hành, quy định mới thay đổi liên quan đến hoạt động hải quan đều được niêm yết, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử (website), trụ sở của Tổng cục, các cục, các chi cục hải quan, cùng các thông tin: số điện thoại đường dây nóng (số 19009299), địa chỉ hộp thư điện tử, hộp thư góp ý... để kịp thời tiếp nhận các ý kiến của cá nhân, doanh nghiệp về các hành vi phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền.

Thiết lập hệ thống trung tâm giám sát trực tuyến cấp Tổng cục và một số Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, địa bàn trọng điểm để giám sát, theo dõi, xử lý công việc của công chức hải quan thực thi công vụ.

Tăng cường thanh, kiểm tra công vụ

Qua phản ánh của báo chí và người dân có một số dấu hiệu về hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của công chức hải quan trong thực thi công vụ đều đã được Tổng cục Hải quan chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra hoặc chỉ đạo kịp thời các cục hải quan địa phương tiến hành xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài việc thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí, việc làm theo quy định, nếu có dấu hiệu hoặc phản ảnh liên quan đến tiêu cực, nhũng nhiễu, đều phải điều chuyển kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm kỷ cương, kỷ luật, tiêu cực tham nhũng.

Trong bối cảnh yêu cầu rất cao về việc xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Ngành và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 quy định kiểm tra công vụ và xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan bao quát đầy đủ những hành vi vi phạm của cán bộ hải quan khi thực thi nhiệm vụ, qua đó sẽ phòng ngừa, nâng cao ý thức, trách nhiệm và xử lý vi phạm, kỷ luật đối với công chức hải quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TCHQ ngày 15/3/2019 phê duyệt, ban hành Đề án Liêm chính Hải quan giai đoạn 2019-2020. Đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể về Liêm chính Hải quan cần thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ để ngăn ngừa và phát hiện xử lý kịp thời vi phạm của công chức hải quan được tăng cường. Trong năm 2018, toàn ngành Hải quan đã tiến hành hơn 260 cuộc kiểm tra nội bộ, và 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành thực hiện hơn 130 cuộc kiểm tra nội bộ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan thực hiện nghiêm chủ trương luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức, viên chức trong ngành theo Quyết định 2650/QĐ-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính để tránh tình trạng cục bộ, tiêu cực, đồng thời qua đó cũng đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kịp thời sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tong-cuc-hai-quan-kien-quyet-xu-ly-nghiem-khong-bao-che-cong-chuc-vi-pham-115740.html