Tổng công suất điện của Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng

Ngày 13-12, tại Hà Nội, Báo Lao Động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Bộ Công Thương, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo tổ chức Hội thảo 'Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than' nhằm góp phần định hướng dư luận và có cái nhìn công bằng, chính xác với vai trò của các nhà máy nhiệt điện trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng điện đang rất thiếu hụt, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ, việc phát triển nhiệt điện than đang là vấn đề gây tranh cãi giữa lợi ích cấp bách thiết thực với các lợi ích xã hội khác. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.

Trong khi đó, các nguồn thủy điện lớn và vừa cơ bản đã khai thác hết, dự kiến đến năm 2030 điện năng sản xuất từ thủy điện chỉ chiếm khoảng 12,4% tổng công suất điện. Một số dự án điện nhiệt than chậm tiến độ như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1,… Các dự án điện khác chi phí cao, có khả năng chậm tiến độ, thủ tục đầu tư nhiều bước, thu xếp vốn khó khăn. Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội thì cần có những giải pháp thiết thực bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện cho nhu cầu của xã hội hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: “Để bảo đảm cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước cần đẩy mạnh các dự án nguồn điện gồm: Nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện với tỷ lệ thích hợp, bảo đảm các mục tiêu chủ yếu như đã đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Phát huy mọi nguồn lực trong nước và tận dụng nguồn hỗ trợ từ nước ngoài. Bên cạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí thì nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản bảo đảm cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân”.

THÙY DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tong-cong-suat-dien-cua-viet-nam-dang-thieu-hut-tram-trong-557979