Tổng chưởng lý California phản đối yêu cầu hủy bỏ 'Quyền được chết'

Đạo luật End of Life Option (Lựa chọn kết thúc cuộc sống) cho phép những bệnh nhân mắc bệnh nan y chỉ còn sống được dưới 6 tháng có quyền yêu cầu các loại thuốc hỗ trợ tự tử từ bác sĩ của họ, một thực tế đã được hợp pháp ở Oregon (Mỹ) hơn 20 năm. California đã thông qua dự luật về quyền được chết này vào năm 2015 trong một phiên lập pháp đặc biệt về các vấn đề y tế.

Ông Becerra phản đối phán quyết cho rằng việc “trợ tử” là vi phạm hiến pháp

Ông Becerra phản đối phán quyết cho rằng việc “trợ tử” là vi phạm hiến pháp

Tuần trước, Thẩm phán Tòa án Thượng thẩm quận Riverside, ông Daniel A. Ottolia đã đưa ra phán quyết cho rằng, cơ quan lập pháp California vi phạm hiến pháp của tiểu bang khi phê chuẩn điều luật này, vì đó không phải vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Mới đây Tổng chưởng lý bang California (Mỹ) Xavier Becerra đâm đơn kháng nghị thẩm phán Ottolia, đã đưa vụ việc lên tòa phúc thẩm, điều sẽ quyết định tương lai của đạo luật này. Trong đơn kháng nghị của mình, Tổng chưởng lý California cho rằng những gì thẩm phán Ottoilia đưa ra là sai lầm, kèm theo một đoạn trích dẫn thông điệp Thống đốc bang, ông Jerry Browm, khi ký duyệt dự luật này: “Brown đã nói, ông không chắc mình mong muốn điều gì nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo và chết dần trong những cơn đau kéo dài dai dẳng. Khi đó, quyền được chết sẽ là một sự an ủi nên ông không phủ nhận quyền tự do này”.

Ngoài ra, Tổng chưởng lý bang California cũng cho rằng, việc hủy bỏ đạo luật này sẽ khiến những người mắc bệnh nan y sẽ phải nhận “một cái chết đau đớn dai dẳng” và thậm chí, các nhân viên y tế cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự. Trong 6 tháng đầu khi “quyền được chết” có hiệu lực, đã có hơn 100 người lựa chọn chấm dứt cuộc sống của họ, với 59% trong số đó là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đã có 173 bác sĩ tiến hành kê 191 đơn thuốc gây tử vong trong vòng 6 tháng đầu khi đạo luật đi vào cuộc sống.

Hạnh Minh (Theo LA Times)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tong-chuong-ly-california-phan-doi-yeu-cau-huy-bo-quyen-duoc-chet/769988.antd