Tổng chủ biên nói về tranh cãi quanh sách Tiếng Việt 1

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định khi viết các câu chuyện trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều, tác giả đã suy xét đến tính giáo dục.

Sau hơn một tháng giáo viên triển khai dạy học sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, bộ Cánh diều, nhiều phụ huynh than phiền rằng sách có từ ít thông dụng và có những câu chuyện chưa rõ tính giáo dục. Thậm chí, một số truyện phỏng theo trong sách còn bị đánh giá là “dạy học sinh lừa lọc, khôn lỏi”.

 Sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh diều bị chỉ trích dùng từ không thông dụng và các câu chuyện dạy học sinh gian lận, khôn lỏi. Ảnh: Sách Cánh Diều.

Sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh diều bị chỉ trích dùng từ không thông dụng và các câu chuyện dạy học sinh gian lận, khôn lỏi. Ảnh: Sách Cánh Diều.

Vận dụng chữ học sinh đã biết

Ở phần dùng từ, các từ như “nhá”, “thở hí hóp”, “gà nhí”, “gà nhép” bị đánh giá khó hiểu, thậm chí người lớn còn phải tra mạng để biết nghĩa đúng của từ.

Ngoài ra, việc sách dùng từ “chả” hay sử dụng cả “ba má” lẫn “bố mẹ” cũng gây khó chịu.

Khi dạy, thầy cô sẽ giải thích những từ học sinh không hiểu hoặc họ cho là khó hiểu đối với học sinh địa phương GS Nguyễn Minh Thuyết

Trước những ý kiến trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều, cho biết khi dạy chữ, vần, người viết sách phải tạo ra bài đọc để các chữ, vần mới học được lặp lại nhiều lần, giúp học sinh không quên chữ, đọc, viết tốt. Các sách giáo khoa mới, không chỉ riêng Cánh diều, đều sớm đưa việc đọc câu, bài vào để học sinh đọc tốt hơn.

Về lý do sách dùng một số từ ít thông dụng, ông giải thích thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ như vậy.

Ví dụ, từ “chả” là khẩu ngữ miền Bắc. Trong các trường hợp từ này được sử dụng trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, tác giả không thể dùng từ “không” hoặc “chẳng” để diễn đạt ý phủ định vì đến giai đoạn này, học sinh chưa học các vần “ông”, “ăng”.

Tương tự, “nhá cỏ, nhá dưa” có nghĩa giống “nhai cỏ, nhai dưa” nhưng học sinh chưa học vần “ai” nên phải dùng “nhá”. Ông Thuyết nói thêm “nhá” không phải từ địa phương. Nó là từ phổ thông, được giải thích trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (GS Hoàng Phê chủ biên).

“Về việc học sinh có hiểu được không thì khi dạy, thầy cô sẽ giải thích những từ học sinh không hiểu hoặc họ cho là khó hiểu đối với học sinh địa phương. Đây là việc mà giáo viên lớp 1 từ trước tới nay đều làm”, ông khẳng định.

Đối với việc dùng cả cụm “ba má” và “bố mẹ”, tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều cho biết sách dùng để dạy học sinh cả nước. Do đó, các tác giả tạo ra hai tuyến nhân vật. Nhân vật sống ở miền Nam gọi “ba má”. Nhân vật ở miền Bắc gọi “bố mẹ”.

Theo ông, đất nước đã thống nhất 45 năm, hai cách gọi này không còn xa lạ. Ngoài ra, nó cũng giúp trẻ mở rộng vốn từ.

Bài đọc Hai con ngựa được chia làm hai phần.

"Đương nhiên phải tính đến tính giáo dục"

Trong cuộc trao đổi với Zing quanh các đánh giá về sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng lý giải việc đưa các câu chuyện ngắn vào sách và cách hiểu sao cho đúng.

Ông cho biết sách giáo khoa thường phải sử dụng các văn bản theo 4 cách khác nhau, gồm dẫn nguyên văn, trích đoạn để phù hợp với thời lượng học, theo và phỏng theo.

Khi viết là “theo”, ban biên soạn chỉ sửa một vài chữ, từ hoặc cho ngắn gọn lại để học sinh dễ hiểu. Với các bài tập đọc “phỏng theo”, tác giả dựa vào ý tứ bài văn, truyện, chỉnh sửa một số chi tiết cho phù hợp. Ông nói thêm cần ghi “phỏng theo” để tránh bị chỉ trích đạo văn.

Tuy nhiên, thực tế, một số phụ huynh cũng như người dùng mạng xã hội phản ánh câu chuyện như Hai con ngựa, Cua, cò và đàn cá thiếu tính giáo dục, thậm chí là “dạy trẻ thói khôn lỏi”. Trong khi đó, hai truyện Ve và gà, Hai con ngựa bị cho rằng không đúng với bản gốc.

Phản hồi về việc có sai lệch bản gốc hay không, ông Thuyết cho biết truyện về ngựa ô, ngựa tía phỏng theo câu chuyện Ngựa đực và ngựa cái của nhà văn Lev Tolstoy trong quyển Kiến và bồ câu của NXB Kim Đồng, bản dịch của nhà văn Thúy Toàn.

Ngoài ra, Tolstoy còn có truyện khác cũng nói về hai con ngựa. Ông Thuyết đoán có thể một số người căn cứ vào truyện này.

Làm sao sách giáo khoa dạy học sinh lừa lọc được! Kể cả không có sách hướng dẫn, thầy cô cũng sẽ giải thích cho học sinh hiểu.

GS Nguyễn Minh Thuyết

“Họ chỉ biết một truyện rồi chỉ trích tác giả bịa. Tôi thấy phê bình như vậy rất vội vàng”, ông Thuyết nêu quan điểm.

Về truyện Ve và gà, ông cho biết ở bản gốc, hai nhân vật là ve và kiến. Do học sinh chưa học vần “iên”, tác giả đổi thành gà, song cốt truyện không thay đổi.

Ngoài ra, ông Thuyết cho biết trong quá trình sửa, các tác giả đã tính đến tính giáo dục của câu chuyện và chỉnh sửa để đỡ nặng nề. Ví dụ, ở truyện Ve và gà, trong bản gốc, khi ve đến xin thức ăn cho mùa đông, kiến hỏi sao ve không ca hát nữa đi. Chi tiết này được sửa thành gà cho ve thức ăn và dặn ve "chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì.”

Ở truyện Hai con ngựa, bản gốc ghi ngựa đực, ngựa cái, do học sinh chưa học các vần “ưc”, “ai” và để tránh bị cho là ám chỉ phụ nữ lười, đàn ông chăm, tác giả sửa thành ngựa tía, ngựa ô. Chi tiết ngựa cái khuyên ngựa đực nếu chủ đánh thì “tung vó đá cho ông một cái” cũng được đổi thành ngựa tía nói ngựa ô “trốn đi”.

Trong truyện Cua, cò và đàn cá, cái kết trong bản gốc (cua kẹp đứt cổ cò) ghê rợn. Do đó, tác giả sửa câu chuyện dân gian này thành cua bắt cò đưa về hồ cũ.

Bên cạnh đó, liên quan các câu chuyện trong sách, ông Thuyết cho rằng một số bài tách ra làm hai bài do dài, song hai bài được dạy liền nhau.

“Ý nghĩa giáo dục toát lên từ toàn bộ câu chuyện, sao có thể cắt một nửa? Như truyện Hai con ngựa, một số người đọc phần 1 rồi đưa ảnh chụp phần 1 lên mạng, bảo truyện xui trẻ em lười lao động. Làm sao nhà văn vĩ đại như Tolstoy viết như thế được?”, ông Thuyết bày tỏ.

Ông cho rằng việc hiểu truyện như thế nào tùy vào tâm địa mỗi người. Ví dụ, đọc truyện Cua, cò và đàn cá, có thể một số người bảo dạy học sinh tính lừa lọc của cò. Nhưng bài học rút ra từ truyện dân gian này là không nên nhẹ dạ nghe lời lừa dối của người xấu. Dạy trẻ cảnh giác với người xấu là cần thiết. Sách giáo viên đã hướng dẫn để thầy cô giúp học sinh hiểu ý nghĩa của câu chuyện.

“Làm sao sách giáo khoa dạy học sinh lừa lọc được. Kể cả không có sách hướng dẫn, thầy cô cũng sẽ giải thích cho học sinh hiểu. Đó là nghiệp vụ sư phạm”, ông nhấn mạnh.

Ông Thuyết khẳng định trong quá trình sửa, các tác giả đã tính đến tính giáo dục của câu chuyện và chỉnh sửa để đỡ nặng nề. Ảnh: Tiền Phong.

Cần bình tâm khi đánh giá Tiếng Việt lớp 1

Ông Thuyết nói thêm trước các phản ứng của một số người dùng mạng, ông hy vọng mọi người bình tâm, đọc kỹ, hiểu công việc dạy học sinh lớp 1 trước khi đánh giá. Trong quá trình các trường triển khai dạy học, ban biên soạn tiếp tục lắng nghe để xử lý những vấn đề do giáo viên đặt ra.

“Tôi tin nếu phụ huynh chờ đợi, không lâu đâu, mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều chỉnh là cần thiết nhưng không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe được”, ông nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết cần qua một vài lớp mới đưa ra đánh giá về sách giáo khoa mới được. Đặc biệt, lứa học sinh lớp 1 năm nay từng nghỉ học 4 tháng liền do dịch nên chưa được dạy kỹ về nhận mặt chữ cái, chữ số ở mẫu giáo.

Ngoài ra, năm học này, học sinh đến trường và học ngay sau khai giảng, không có một tuần tựu trường trước để thầy cô rèn nề nếp, hướng dẫn học sinh cầm bút, viết những nét cơ bản nên gặp khó khăn khi dạy.

Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 nói thêm cách đây 18 năm, khi bắt đầu thực hiện Chương trình tiểu học năm 2002, sách Tiếng Việt lớp 1 cũng bị chỉ trích rất ồn ào. Thậm chí, không ít ý kiến đòi đình chỉ dạy sách đó. Nhưng sau gần 20 năm, nhiều giáo viên lại nhận xét sách đó dễ dạy, nhẹ nhàng.

"Lần này, sách mới cũng bị chỉ trích, có thể vẫn do những người cũ gây chuyện mới. Thành thực mà nói, tôi rất mong có những chuyên gia xuất sắc hơn cho ra đời những bộ sách tốt hơn", ông Thuyết nói.

Một số phụ huynh cùng người dùng mạng than phiền sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều dùng những từ khó hiểu như “lồ ô”, “gà nhí”, “gà nhép”, “thở hí hóp”. Họ cho rằng việc đưa các từ mà đến người lớn còn không hiểu vào sách cho học sinh lớp 1 là không phụ hợp. Viết dùng từ “chả” hay dùng cả “ba má”, “bố mẹ” cũng khiến không ít người khó chịu.

Điều khiến cuốn sách này bị chỉ trích gay gắt nằm ở những câu chuyện ở phần tập đọc. Nhiều người cho rằng các truyện Cua, cò và đàn cá; Lừa, thỏ và cọp; Quạ và chó dạy trẻ tính lừa lọc, khôn lỏi, trong khi Hai con ngựa dạy trẻ lười biếng.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-chu-bien-noi-ve-tranh-cai-quanh-sach-tieng-viet-1-post1140349.html