Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Làm đặc khu không phải là để người ta vào chiếm đất

Chiều 17/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Tham gia buổi tiếp xúc cử tri còn có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy.

Cử tri đồng tình việc tạm dừng thông qua Luật Đặc khu
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều đánh giá kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra vừa qua là kỳ họp có nhiều đổi mới so với những kỳ họp trước. Quốc hội đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng và đã biểu quyết thông qua 6 luật, 6 nghị quyết. Đây đều là những quyết sách quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như: Phòng chống tham nhũng, kê khai tài sản cá nhân, việc Quốc hội dừng thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu)…
Cử tri Nguyễn Phi Cơ (phường Quan Hoa) bày tỏ băn khoăn về vấn đề phòng chống tham nhũng, kê khai tài sản cá nhân. Theo cử tri này, thời gian gần đây, Đảng ta đã xử lý nhiều cán bộ tham nhũng và cán bộ kê khai tài sản không đúng. Tuy nhiên, công tác phòng chống vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ đó, cử tri Nguyễn Phi Cơ đề nghị Đảng ta phải phát động phong trào toàn dân chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt. Bên cạnh đó, đưa ra nhiều giải pháp để đẩy lùi và kêu gọi những kẻ tham nhũng ra đầu thú. Ngoài ra, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản cá nhân.
Đối với vấn đề liên quan Luật Đặc khu, cử tri Nguyễn Phi Cơ cho rằng đây là một sân chơi trong thời kỳ đổi mới và đúng nếu tìm kiếm được nhà đầu tư tốt, còn nếu không sẽ đi ngược lại. Việc Quốc hội chưa thông qua luật này thể hiện sự lắng nghe ý kiến của người dân trước khi quyết định.
Tương tự, cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch) bày tỏ đồng tình và ủng hộ việc Quốc hội tạm dừng thông qua Luật Đặc khu. Tuy nhiên, cử tri này cho rằng, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm để tránh xảy ra các vụ biểu tình như vừa qua vì người dân thiếu thông tin. Từ đó, ông Lê Đình Can kiến nghị các cấp phải xử lý nghiêm minh các đối tượng cầm đầu gây rối làm mất an ninh trật tự, chống đối Nhà nước để làm gương. Điều này sẽ góp phần vào thành công chung trong sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy.

Người dân phải rất tỉnh táo khi sử dụng internet
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thông tin tới cử tri xung quanh những âm mưu của các thế lực thù địch trong vấn đề liên quan tuyên truyền nhằm mục đích gây rối trật tự, an ninh trên địa TP cũng như trên địa bàn các tỉnh, TP khác.
Theo Chủ tịch UBND TP, âm mưu của các thế lực thù địch, các đối tượng, các tổ chức phản động ngoài nước cấu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong nước, các tổ chức phản động từ trước đến nay chưa bao giờ từ bỏ âm mưu gây rối tiến tới lật đổ chế độ trên đất nước chúng ta. Các đối tượng, thế lực thù địch đã làm nhiều cuộc cách mạng màu trên thế giới và cho đến nay, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu này.
Đồng thời, trong thời gian vừa qua chúng đã lợi dụng triệt để mạng xã hội và hiện nay chúng ta đã có trên 50 triệu người dùng. Từ mạng xã hội, các đối tượng đã tuyên truyền, kích động, đưa các hình ảnh giả. Nêu điển hình như sáng 10/6 vừa qua, tại Hà Nội rất yên tĩnh và không đến mức như trên mạng xã hội đăng tải nhưng các đối tượng khi tuyên truyền ghép những hình ảnh biểu tình từ trước đến nay sai sự thật. Chủ tịch UBND TP mong muốn người dân khi sử dụng internet phải rất tỉnh táo và khi sử dụng mạng xã hội để xem các thông tin phải có chọn lọc.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP, thời gian qua, các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý “bài Trung Quốc” để từ đó kích động, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó, các phần tử này cũng lợi dụng triệt để những vấn đề mà người dân đang bức xúc với chính quyền, từ đền bù đất đai, các vấn đề môi trường hay an ninh mạng để kích động.

Qua tổng hợp, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội cũng như trên cả nước các đối tượng đã có những âm mưu, thủ đoạn như: Trong TP Hồ Chí Minh, bọn chúng đã kích động tấn công các lực lượng làm nhiệm vụ; kích động công nhân tại các khu công nghiệp… Tại Hà Nội, ngay từ ngày 30/5, khi các lực lượng nghiệp vụ chức năng phát hiện các thủ đoạn như trên, TP đã tổ chức tuyên truyền đến các tổ dân phố, khu dân cư và bố trí các lực lượng tuyên truyền khi có biểu tình để chấm dứt tình trạng…

Riêng vấn đề về Luật An ninh mạng, các đối tượng tuyên truyền là luật An ninh mạng sẽ nghiêm cấm mọi người dùng internet và mạng xã hội. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP khẳng định, thông tin đó không đúng. Theo Chủ tịch UBND TP, luật này chỉ ngăn cấm hành vi và đối tượng xấu, những đối tượng cơ hội chính trị, phản động hoặc những người có hành vi vi phạm pháp luật, dùng hình ảnh bôi nhọ lẫn nhau đưa lên không gian mạng. “Luật An ninh mạng bảo vệ hệ thống mạng và chính là bảo vệ quyền tự do cho mọi người dùng internet và mạng xã hội”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Cử tri quận Cầu Giấy phát biểu ý kiến.

Luật An ninh mạng là để bảo vệ an ninh Quốc gia
Tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của cử tri. Theo Tổng Bí thư, các kiến nghị của cử tri nêu rất phong phú, trách nhiệm và xây dựng. Đây là những ý kiến quan trọng nên các đại biểu trận trọng tiếp thu để phản ánh lại tới Quốc hội.
Làm rõ thêm các nội dung được cử tri quan tâm về nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề kê khai tài sản, Tổng Bí thư cho rằng, đây là những vấn đề không chỉ cử tri Cầu Giấy mà cử tri ở nhiều nơi đều dành sự quan tâm đặc biệt và nêu ra ở hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri.
Về vấn đề đặc khu kinh tế, Tổng Bí thư cho biết, trên thế giới nhiều nước đã có đặc khu kinh tế bởi nó được coi là một phương thức tổ chức quản lý kinh tế. Các nguồn lực trong nước và ngoài nước được khai thác tối đa lợi thế nhằm làm giàu cho đất nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập, chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn lợi ích quốc gia.
Theo Tổng Bí thư, vấn đề này đã từng nghiên cứu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trải qua rất nhiều lần nghiên cứu và nhiều văn bản nghị quyết được ban hành nhưng để làm được cần phải có luật. Quá trình xây dựng luật cũng đã lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, cử tri. Dự kiến, luật sẽ được thông qua ở kỳ họp này nhưng khi bàn thảo ở Quốc hội vẫn còn có những ý kiến góp ý khác nhau. Vì vậy, Quốc hội đã tiếp thu và xin chưa thông qua để có thêm thời gian hoàn thiện chặt chẽ hơn.

“Vấn đề đặc khu kinh tế không chỉ liên quan đến nước nào vào, vấn đề đất đai mà nó phải phát huy được tất cả các lợi thế của đất nước. Vì vậy, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách dựa trên nguyên tắc độc lập, chủ quyền chứ không phải người ta ào vào chiếm hết cả đất của mình”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Về những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng, Tổng Bí thư cũng cho rằng có sự kích động. “Trên thế giới, rất nhiều nước có luật này. Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, có nhiều lợi ích nhưng mặt khác quản lý rất khó. Từ đây, có kích động, biểu tình, gây rối và lật đổ chính quyền. Do đó, cần luật này bảo vệ chế độ này, không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ. Điều này lợi thì rất lợi nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Vì vậy, phải có luật bảo vệ an ninh mạng để bảo vệ an ninh Quốc gia và quyền công dân”, Tổng Bí thư nói.

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-lam-dac-khu-khong-phai-la-de-nguoi-ta-vao-chiem-dat-318864.html