Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc hợp ý Đảng, lòng dân

'Không chỉ các nước láng giềng mà tất cả các nước trên thế giới, đây là tập quán chính trị và thông lệ quốc tế. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên thôi, hợp ý Đảng, lòng dân', Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh nhấn mạnh.

Chiều 6-10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đồng chủ trì họp báo.

Cùng dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, đại diện Bộ Tài chính và Ban Tổ chức Trung ương…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang phát biểu tại buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết, sau 5 ngày là việc hết sức trách nhiệm, trí tuệ, khẩn trương, Hội nghị Trung ương 8 đã hoàn thành trọn vẹn chương trình đề ra.

Thông tin vắn tắt chương trình, kết quả hội nghị, ông Giang cũng thông báo, Trung ương đã thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Tiểu ban;

Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng Tiểu ban.

Tại buổi họp báo, các phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi xung quanh việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là vấn đề mới, vậy Trung ương đã có bước chuẩn bị như thế nào để sau khi Quốc hội bầu, bộ máy của Đảng, Nhà nước được vận hành trơn tru? Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng liệu có sáp nhập hay không?

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trả lời câu hỏi của báo chí

Phó Chánh Văn Phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh trả lời về vấn đề này cho biết: Khi biểu quyết, 100% Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương (175/175) có mặt đã đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước trong kỳ họp sắp tới. Còn về việc tổ chức như thế nào cho phù hợp vận hành bộ máy của Đảng và Nhà nước thì trong lịch sử truyền thống của nước ta đã có hàng chục năm Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, nên không có gì đáng ngại lắm.

Theo ông Vĩnh, hiện 4 Văn phòng ở Trung ương gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội có quy chế phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo tốt công việc được giao của từng Văn phòng cũng như phục vụ tốt các công việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. “Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, tôi nghĩ rằng, có khi còn thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng, Nhà nước” – ông nói.

Về vấn đề có sáp nhập Văn phòng Trung ương Đảng với Văn phòng Chủ tịch nước hay không thì ông Vĩnh cho rằng không đặt vấn đề này ra, vì thời Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước, 2 cơ quan này cũng riêng biệt nhau, trong hàng chục năm.

Ông Lê Quang Vĩnh phân tích thêm, Văn phòng Trung ương Đảng (tên đầy đủ là Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng) có nhiệm vụ giúp việc, phục vụ, tham mưu cho cả Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trong Văn phòng Trung ương Đảng có Văn phòng Tổng Bí thư, gồm các đồng chí Thư ký và Trợ lý Ban Bí thư…

Còn Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan giúp việc cho Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, mà Chủ tịch nước vừa là một chế định (pháp nhân), vừa là một thể nhân. Thế nên đặt vấn đề sáp nhập 2 Văn phòng này là không phù hợp.

Khi báo chí đặt câu hỏi, liệu trong Hội nghị Trung ương 8 có bàn việc tiếp tục duy trì hợp nhất hai chức danh này trong nhiệm kỳ tới hay không, ông Lê Quang Vĩnh cho rằng, nhìn rộng ra trên toàn thế giới, người đứng đầu của Đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, hoặc nguyên thủ quốc gia, hoặc là cả hai.

“Không chỉ các nước láng giềng mà tất cả các nước trên thế giới, đây là tập quán chính trị và thông lệ quốc tế. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên thôi, hợp ý Đảng, lòng dân”, ông nêu quan điểm. Còn các nhiệm kỳ khác, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng khẳng định còn tùy theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội và phụ thuộc vào tình huống cụ thể…

Liên quan đến Quy định trách nhiệm nêu gương, các phóng viên băn khoăn Trung ương đã quy định như thế nào, có gì khác với dự thảo ban đầu? Ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là vấn đề khó, cực kỳ phức tạp nên Trung ương nhất trí rất cao về việc ban hành, song về nội dung đang tiếp tục được hoàn thiện.

“Vì là vấn đề khó, nhạy cảm nên cần thận trọng, qua nhiều khâu và hiện nay nội dung chi tiết chưa thể công bố được. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương”, ông Sơn khẳng định.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tong-bi-thu-dong-thoi-la-chu-tich-nuoc-la-viec-hop-y-dang-long-dan-513840/