Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Trong phòng, chống tham nhũng khâu nào yếu phải chỉnh ngay

Ngày 24-11, thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc với cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ.

Các ĐBQH đã báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ sáu và kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền về những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Đức (quận Tây Hồ) đánh giá cao những kết quả của kỳ họp thứ 6, cho rằng kết quả đó cho thấy sự đổi mới không ngừng của Quốc hội, đặc biệt là kỳ họp dành nhiều thời gian cho thảo luận và tranh luận, giải trình, tạo được không khí sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm.

Cử tri Nguyễn Minh Trung (quận Ba Đình) chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri cả nước. Ông Trung cũng bày tỏ tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và kiến nghị: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Quốc hội tiếp tục nhóm bếp lửa chống tham nhũng đang rực hồng ở Trung ương xuống các địa phương, có như vậy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới triệt để từ Trung ương tới địa phương, các cấp, các ngành”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri (ảnh N.Thắng)

Cho rằng tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn đang diễn ra, cử tri Lưu Huy Vinh (quận Ba Đình) đánh giá, nhiều chủ trương, chính sách rất đúng và trên chỉ đạo rất quyết liệt nhưng dưới không thực hiện, thậm chí thực hiện không đúng đã làm giảm hiệu quả điều hành của nhà nước và giảm lòng tin của nhân dân.

Vì vậy, cử tri mong muốn Đảng, nhà nước cần sớm có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Trước hết cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có cơ chế cụ thể để xử lý đối với những người vi phạm. Đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, cử tri Lưu Huy Vinh kiến nghị Đảng, nhà nước cần kiểm tra, đánh giá và xem xét toàn diện về công tác bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Một số cử tri kiến nghị Quốc hội quan tâm và chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo có hình thức quản lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về việc dạy thêm và học thêm và vấn đề cải cách chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cùng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu chính sách phù hợp đối với giáo dục tại vùng sâu, vùng xa vì nhiều trường còn rất khó khăn và điều kiện học tập không bảo đảm…

Sau khi lắng nghe các ý kiến cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận cử tri đã theo dõi kỳ họp rất kỹ, các ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, sáng suốt, công tâm, khách quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn tình cảm của cử tri đã dành cho ông khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước và khẳng định sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều đã hứa trước Quốc hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định kỳ họp thứ sáu của Quốc hội là một trong những kỳ họp để lại dấu ấn tốt đẹp. “Họp ngắn hơn, nội dung quan trọng, trao đổi dân chủ, chất vấn có nhiều đổi nhưng cuối cùng vẫn thống nhất rất cao. Họp ngắn mà kết quả tốt vì chuẩn bị tốt, trình độ đại biểu Quốc hội ngày càng cao, ý thức chính trị của của các đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng lên”.

Trước ý kiến cử tri tiếp tục đề nghị làm quyết liệt hơn công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, không có kỳ tiếp xúc nào cử tri không đề cập đến vấn đề này, cho thấy đây vẫn là vấn đề lớn và được nhân dân rất quan tâm.

“Hiện nay công cuộc phòng, chống tham nhũng đã có sự vào cuộc của cả hệ thống và không một mình ai làm được cả. Lò nóng lên rồi tất cả đều phải vào cuộc, khâu nào yếu phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay. Đây là bài học thành công và từ đây sẽ làm tiếp việc khác” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần phải bình tĩnh, làm từng việc, làm chắc bước này để làm tiếp bước sau. “Các bác cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi đâu. Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm. Tinh thần là như thế, và phải có phương pháp chứ không phải hăng hái, quyết liệt mà được đâu. Nhiệt tình nhưng phải có trình độ, phải có phương pháp, cách làm, thuộc luật pháp. Cái nào thiếu luật pháp thì phải bổ sung luật pháp, phải có quy chế để ngăn ngừa, răn đe, cảnh tỉnh…” -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trong-phong-chong-tham-nhung-khau-nao-yeu-phai-chinh-ngay-128454.html