Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch Covid-19

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng

Ngày 20-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chỉ đạo rất kịp thời

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị đã nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo tình hình, dự báo sắp tới và một số kiến nghị, đề xuất.

Bộ Chính trị đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua. Cụ thể, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ dòng người vào từ vùng dịch; tổ chức cách ly kịp thời, hiệu quả; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và điều trị thành công cho 16 bệnh nhân. Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất được các bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2, được công nhận và đưa vào sử dụng...

Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua đã thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc, đạt được những kết quả tích cực, được thế giới đánh giá cao, nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: TTXVN

Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có nhiều văn bản chỉ đạo ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu được phát hiện và khi có diễn biến mới. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 tập trung theo dõi, làm việc thường xuyên, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch. Các cấp, ngành, địa phương đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bám sát tình hình, xây dựng phương án, kịch bản, có nhiều cách làm hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang… đã nỗ lực rất cao, triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch, với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt. Các đối tượng phát tán thông tin sai sự thật bị xử lý kịp thời, nghiêm minh... Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất. Với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng, sợ hãi đến mức không dám làm gì. Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện.

Có giải pháp cho lâu dài

Phân tích những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Bởi vậy, cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp: Cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; có kế hoạch phục hồi sản xuất - kinh doanh, phát triển du lịch, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch.

Quyết liệt ứng phó

Sáng 20-3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định trong giai đoạn 1, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Ở giai đoạn 2, đại dịch đã lan ra toàn cầu, đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chiến lược ngăn chặn.

Theo Ban chỉ đạo, bên cạnh việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập, chúng ta không được quên nguy cơ lây nhiễm rất lớn từ hàng trăm ngàn người nhập cảnh từ ngày 1-3 đến nay, trong đó rất nhiều người đến từ vùng có dịch. Do vậy, cần triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý không có sự phân biệt nào về điều kiện cách ly đối với người nghi nhiễm. Tuy nhiên, với các gia đình khá giả thì có thể hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ để cùng góp một phần công sức vào công tác chống dịch. Đối với các khách sạn, resort trước hết phục vụ người nước ngoài, vì mục đích ngoại giao, công vụ, các chuyên gia, nhà quản lý đến Việt Nam và việc cách ly này có thể thu phí hoặc do các đối tác phía Việt Nam chi trả.

Bộ Y tế cho biết đến ngày 20-3, Việt Nam đã ghi nhận 91 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 16 người đã xuất viện. Trong ngày, thêm 6 ca mắc mới được ghi nhận, trong đó có 2 ca là điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai.

N.Dung - M.Chiến

Bệnh nhân thứ 18 xuất viện

Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp ngày 20-3 cho biết Trường Quân sự tỉnh đang thực hiện cách ly tập trung 164 người vừa từ Anh trở về Việt Nam. Trong số này, có 1 trường hợp sốt nên được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc để điều trị.

Tại Kiên Giang, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh có công văn khẩn gửi các đơn vị chức năng, các địa phương về việc tạm dừng đón khách du lịch và các hoạt động tập trung đông người trong các lĩnh vực văn hóa và thể thao. UBND tỉnh Kiên Giang cũng có công văn về việc tạm dừng vận chuyển, đón khách du lịch và các hoạt động vui chơi, giải trí tập trung đông người trên địa bàn. Từ ngày 21-3, sẽ tạm dừng vận chuyển và đón khách đi theo đoàn du lịch tại các xã đảo ở TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Kiên Hải và xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Ở Quảng Bình, Trung tâm Phòng chống bệnh tật cho biết đã tiếp đón, phân loại và cách ly gần 400 công dân người Việt làm ăn ở Lào, Thái Lan trở về bằng đường bộ, qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Trong đó, 2 trường hợp có dấu hiệu sốt đã được tách riêng về khu cách ly của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát, tăng cường gia cố lại các khu vực cách ly; đề nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng công an được phân công trực tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cách ly. Trước đó, ngày 19-3, cả 5 người trong gia đình nữ bệnh nhân thứ 35 đang được cách ly ở đây đã bỏ trốn về nhà riêng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản và cử cán bộ đến thuyết phục gia đình này quay lại nơi cách ly.

Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã tổ chức xuất viện cho bệnh nhân N.V.T là ca mắc Covid-19 thứ 18 của Việt Nam, sau khi bệnh nhân này điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình từ ngày 7-3. Bệnh nhân này là sinh viên trở về từ Daegu - Hàn Quốc, kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đề nghị lãnh đạo các trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm nếu chưa tổ chức cho sinh viên nhập học tập trung thì có thể phối hợp với các địa phương để trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng ký túc xá của trường làm cơ sở cách ly tập trung của địa phương.

Nhóm Phóng viên

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tao-moi-dieu-kien-nguon-luc-de-dap-dich-covid-19-20200320235124624.htm