Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo tại Hội nghị ngành Tòa án

Sáng 14-1, TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2019 đến 778 điểm cầu TAND trên cả nước.

Sáng 14-1, TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2019 đến 778 điểm cầu TAND trên cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao truyền thống tốt đẹp, những đóng góp của hệ thống Tòa án trong 73 năm qua đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước cũng như những kết quả đạt được trong năm 2018. Tổng Bí thư cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và ghi nhận những khó khăn thử thách mà Tòa án các cấp còn đối mặt... Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mỗi bản án phải làm sao để thực sự "tâm phục, khẩu phục," khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TAND Tối cao, đã báo cáo tổng kết công tác năm 2018 của toàn ngành Tòa án. Theo đó, năm 2018, các Tòa án đã giải quyết được 499.013 vụ việc trong tổng số 558.152 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 89,4 %). Số vụ việc còn lại hầu hết tổng thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. So với năm 2017, số vụ việc đã thụ lý tăng 5.086 vụ.

Trong năm 2018, các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm đã được giải quyết kịp thời, nghiêm minh. Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”; vụ án Đinh La Thăng phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

Năm 2018 cũng là năm thứ hai Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác với chủ đề hành động “trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” và 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án theo tinh thần cải cách tư pháp.

Năm 2019 ngành Tòa án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Khẩn trương xây dựng dự án luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trình Quốc hội xem xét; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo như Bộ Luật Lao động sửa đổi, Luật Lý lịch tư pháp sửa đổi…

HẢI NGUYỄN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-chi-dao-tai-hoi-nghi-nganh-toa-an-812911.html