Tôn vinh võ cổ truyền Việt Nam

Tiếp nối thành công của Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức giải đấu lần thứ hai năm 2018 tại Cung thể thao điền kinh trong nhà Hà Nội. 279 vận động viên thuộc 43 đoàn đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thi đấu tranh 52 bộ huy chương ở các nội dung đối kháng, biểu diễn quyền, thi đấu đối luyện…

Với sự tham gia thi đấu của các đoàn vận động viên đến từ khắp các châu lục như Mỹ, Bra-xin, Nga, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a, Cốt Đi-voa, Ma-rốc, An-giê-ri, Ấn Độ, I-ran, Nê-pan… cho thấy võ cổ truyền Việt Nam đã được tập luyện tại khá nhiều nước. Đây là thành quả của những nỗ lực mà nhiều thế hệ võ sư của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam đã từng bước gây dựng, ổn định và mở rộng nhằm giới thiệu tinh hoa võ thuật cùng bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tại giải thi đấu, với sự khéo léo và tố chất mềm dẻo, các VĐV Việt Nam chiếm ưu thế và giành Huy chương vàng (HCV) ở các phần biểu diễn quyền như Ngọc trản quyền, Độc lư thương, Thanh long độc kiếm, Hùng kê quyền, Song tuyết kiếm… Tuy nhiên, các VĐV nước ngoài cũng tỏ ra không thua kém ở nhiều nội dung khác. Chẳng hạn như các VĐV đến từ Ma-rốc với môn phái Giao long võ đạo Ma-rốc thể hiện đầy mạnh mẽ bài biểu diễn Phong hoa đao, Tứ linh đao cũng như sự khéo léo uyển chuyển cần thiết ở bài Lão mai quyền… để giành HCV. Các võ sĩ của Việt Võ đạo I-ta-li-a lại biểu diễn đầy thần thái, uy nghi trong bài quyền Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao, bài quyền tập thể... để trở thành một trong những võ phái ở nước ngoài giành nhiều HCV. Các võ sĩ đến từ Pháp thể hiện thân pháp rất nhanh nhẹn để giành HCV tiết mục đối luyện của nữ.

Việc đưa hàng trăm võ sư, vận động viên nước ngoài về Việt Nam thi đấu là dịp giao lưu, học hỏi và tìm hiểu về nền võ học Việt Nam đã có hàng nghìn năm lịch sử. Được trở về quê hương của võ phái, được gặp gỡ các võ sư đứng đầu môn phái là nguồn động viên, khuyến khích phong trào tập luyện võ cổ truyền Việt Nam của các VĐV và thông qua họ tiếp tục nhân rộng hơn ở các võ đường đang dạy võ Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Võ sư quốc tế Bùi Công Phương, Trưởng ban Chuyên môn môn phái Bình Định Gia khẳng định: “Các võ đường, võ sinh ở Việt Nam nhận nhiệm vụ tham gia liên hoan võ thuật cổ truyền lần này đều cố gắng hết sức để thi đấu tốt. Đây là cơ hội để các võ sinh quốc tế thấy Việt Nam đã gìn giữ và phát huy võ cổ truyền tốt như thế nào”. Ông Nguyễn Bá Mạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cho biết: “Việc các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia tập luyện võ cổ truyền về đây tham dự liên hoan giúp họ hiểu nhau hơn và là cơ hội để tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Theo lộ trình, Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức định kỳ hai năm một lần, nhằm mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng giải đấu với sự tham gia của các đoàn đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; định hướng đến năm 2030 có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có phong trào tập luyện võ cổ truyền Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Minh Giang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/tin-tuc/item/37659302-ton-vinh-vo-co-truyen-viet-nam.html