Tôn vinh vị thế cho nông sản Việt

Hiện tại với hơn 700 siêu thị, trung tâm thương mại với ước tính đón tiếp hơn một triệu lượt khách mua sắm mỗi ngày, Saigon Co.op đạt doanh thu năm gần nhất hơn 30 nghìn tỷ đồng và góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam. Đồng thời, các tiêu chuẩn khắc khe về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng được đơn vị này ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng Việt.

Lãnh đạo Saigon Co.op khảo sát vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

Lãnh đạo Saigon Co.op khảo sát vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

Mới đây nhất, những trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu vụ mùa đã chính thức có mặt tại tất cả các cửa hàng Co.op Food trên toàn quốc. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketting Saigon Co.op chia sẻ: “Vải thiều Bắc Giang đã là thương hiệu. Tuy nhiên, các thị trường xa đang gặp khó trong bảo quản và phải vận chuyển bằng đường hàng không nên giá thành cao. Theo khảo sát, hiện 55% sản lượng vải tiêu thụ tại thị trường nội địa, 45% xuất khẩu nhưng 90% trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Những năm gần đây, ngoài sát cánh cùng ngành nông nghiệp và nông dân trong tiêu thụ trái cây-rau củ quả nói chung, Saigon Co.op cũng tham gia đưa vải vào phía nam để khách hàng có thể dùng được trái vải ngon, sớm, đúng gốc Lục Ngạn, đạt tiêu chuẩn về ATVSTP. Để làm được điều này, nhà vườn trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP có ký kết với đại lý thu mua của Saigon Co.op phải tập kết vải sớm, đúng tiêu chuẩn, đạt độ an toàn cao. Đại lý thu mua sau khi test nhanh, sơ chế qua nước lạnh, cho vào túi, chứa vào thùng xốp, bảo quản trong xe lạnh ở nhiệt độ -5 độ C và di chuyển 36 giờ vào TP Hồ Chí Minh. Thế nên khi vải đến tay người dùng, lá, quả vẫn tươi ngon như slogan: An toàn-Tiện lợi-Tươi ngon mà Co.op Food cam kết cung cấp cho khách hàng”.

Theo ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng với tổng diện tích 16 nghìn ha cho trái vải Bắc Giang (trong đó có 30 xã và sáu doanh nghiệp huyện Lục Ngạn). Đây cũng là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm nay, dự kiến sản lượng vải Bắc Giang đạt khoảng 150 nghìn tấn, giảm khoảng 40% sản lượng năm 2019. Hiện, vải sớm đang được thu mua khoảng 26 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp ba lần cùng kỳ năm 2018 và Lục Ngạn đang có khoảng 250 thương nhân Trung Quốc thu mua trái vải sang Bắc Kinh (Trung Quốc) để bán khoảng 120 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, duy nhất Saigon Co.op là HTX gắn bó với nông dân Lục Ngạn nói riêng và nhà nông Việt nói chung ngay cả trong lúc quả vải bị mất giá ở các năm trước. Khi ấy Saigon Co.op vẫn đưa vải vào nam, dù không có lãi. Trong kinh tế thị trường, ai cũng muốn làm ra lợi nhuận nhưng làm theo định hướng XHCN thì không phải ai cũng như Saigon Co.op.

Lãnh đạo Saigon Co.op khảo sát vùng cam soàn Tân Biên (Tây Ninh).

Cũng nhằm đáp ứng sự An toàn-Tiện lợi-Tươi ngon, mới đây, trong chuyến khảo sát nông trại hơn 24 ha cam soàn GlobalGAP của nhà nông Lê Minh Quốc Hưng (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), ông Phan Lê Nhật Trường, Giám đốc Khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên của Saigon Co.op đã bày tỏ sự hài lòng khi biết nguồn nước tưới cho trang trại được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; trang trại cũng chỉ dùng túi bắt côn trùng, cách ly phun xịt trước khi thu hoạch 14 ngày và có dán tem lên trái để truy xuất nguồn gốc. Ngoài tư vấn cho nông hộ về cách thức gửi mẫu nước, đất đi xét nghiệm, ông Trường còn thông tin sơ bộ về các tiêu chuẩn nông sản khi vào siêu thị Co.opmart như ngọt, da bóng, trái đều, có dán tem... Tại mô hình 25 ha mãng cầu của nông dân Hà Chí Mãng (HTX Mãng cầu Thạnh Tân, TP Tây Ninh), đại diện Saigon Co.op cho hay, dù mãng cầu đã vào các siêu thị song giá còn cao do qua khâu trung gian nên sẽ cử bộ phận kinh doanh đến ký hợp đồng trực tiếp với nông dân. Trao đổi với nhà nông Phan Văn Thà (Tân Biên, Tây Ninh), đại diện Saigon Co.op mong muốn bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về pháp lý trong công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; nông dân cũng cần phải chủ động cho việc kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm hữu cơ, có kế hoạch tham quan học tập các mô hình tiên tiến để cải tiến quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo ông Trường, chỉ riêng việc bưởi da xanh, dưa lưới… của Tây Ninh đã lên máy bay phục vụ hành khách đã nói lên nhiều điều. Việc sớm đưa trái cây sạch của Tây Ninh vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op là hiển nhiên, là phương châm kinh doanh vì cộng đồng của Saigon Co.op.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội 10 của Ðảng bộ tỉnh, ngành nông nghiệp đã thu hút 28 dự án đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn 1.940 tỷ đồng. Riêng Tây Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) thu hút siêu thị Co.opmart phủ kín các huyện, thành phố. Đây là lợi thế không nhỏ giúp nông dân Tây Ninh tiêu thụ nông sản, quảng bá sản phẩm nông nghiệp ra cả nước.

Chuyên gia Nhật Bản sang làm việc tại Phú Gia Trang (Lâm Đồng) về các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật để xuất bơ sang Nhật.

Cũng trồng hơn 40 ha bơ sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và cùng có mong muốn đưa sản phẩm vào siêu thị Co.opmart, anh Võ Tiến Trung (Phú Gia Trang, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết, suốt nhiều năm liền, trang trại đã nghiên cứu cải tạo đất và trồng trọt. Ở nhiều thời điểm khác nhau chúng tôi phát triển các loại hình nông nghiệp khác nhau cho phù hợp với xu thế đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng. Nhưng từ năm 2010, Phú Gia Trang chỉ chuyên canh cây bơ. Do có vị trí thuận lợi (nằm trên Quốc lộ 22), các giống mới và cao sản trên thế giới đều được trang trại đưa vào trồng như bơ GEM, bơ Reed (California, Hoa Kỳ) rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Di Linh, cây sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng quả không thua kém gì so với khi trồng ở bản địa (Mỹ). Đặc biệt khi trồng ở Tây Nguyên với đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu thuận lợi, bơ Reed cho rất nhiều trái. Năng suất và sinh trưởng đều cao. Mang lại giá trị kinh tế rất tiềm năng cho nông dân trồng bơ. Theo anh Trung, trang trại còn có bơ Mã Dưỡng (Việt Nam), bơ Pinkerton, bơ Hass (Hoa Kỳ), bơ BOOTH (Mexico, Cuba),… “Tôi rất mong Co.opmart quan tâm đến sản phẩm bơ sạch của tôi cũng như nông dân Lâm Đồng. Đưa bơ vào siêu thị, là khẳng định cho vị thế người trồng bơ, định danh và tôn vinh nông sản Việt, thể hiện phương châm kinh doanh theo định hướng XHCN của Saigon Co.op”, anh Trung mong mỏi.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh tiếp tục tạo nên bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và vùng nông nghiệp Lâm Đồng đang trở thành vùng nông nghiệp có giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á. Hiện, Lâm Đồng có khoảng 43 nghìn ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 15,9% đất nông nghiệp toàn tỉnh. Những năm qua, TP Hồ Chí Minh nói chung và Saigon Co.op nói riêng cũng có chương trình hợp tác tiêu thụ nông sản an toàn. Chính hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam này giúp cho nhiều nông sản Lâm Đồng vươn ra cả nước!

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bancanbiet/thong-tin-doanh-nghiep/item/40342202-ton-vinh-vi-the-cho-nong-san-viet.html