Tôn vinh vẻ đẹp bất biến của áo dài Việt Nam trên sân khấu Ký ức Hội An

18 bộ sưu tập áo dài mang 'hơi thở' của các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian và tái hiện các danh thắng Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới mang đến cho người xem ấn tượng khó quên về tà áo dài Việt Nam vốn 'quen mà lạ'.

Tối 14/6, tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An (Công viên Ấn tượng Hội An, TP. Hội An, Quảng Nam) diễn ra Lễ hội Áo dài Hội An – Danh thắng Việt Nam.

Hàng trăm người mẫu, diễn viên tham gia trình diễn Lễ hội Áo dài Việt Nam trên sân khấu thực cảnh lớn nhất Việt Nam

Hàng trăm người mẫu, diễn viên tham gia trình diễn Lễ hội Áo dài Việt Nam trên sân khấu thực cảnh lớn nhất Việt Nam

Lấy ý tưởng kết nối các danh thắng, di sản văn hóa Việt Nam từ Bắc vào Nam, lên Tây Nguyên, nguồn cảm hứng từ lụa, chương trình đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà thiết kế có tên tuổi trong nước với 18 bộ sưu tập áo dài làm sống lại các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như ca trù, chầu văn (gắn với tín ngưỡng thờ mẫu), hát xoan, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế, hát bài chòi, đàn ca tài tử, điệu múa Chăm, cồng chiêng Tây Nguyên… đi cùng với đó là các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, di tích Tràng An, Phong Nha – Kẻ Bàng, Thánh địa Mỹ Sơn, chùa Cầu Hội An,…

Xuyên suốt 100 phút trình diễn liên tục, du khách đã được mãn nhãn và thăng hoa cảm xúc cùng một góc nhìn mới hơn, sáng tạo hơn và đẹp hơn về tà áo dài Việt Nam.

Với góc nhìn của một nhà thiết kế thời trang, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, các bộ sưu tập áo dài đã đưa được người xem đi từ quá khứ đến hiện tại và đón nhận tương lai bằng những màn biểu diễn nghệ thuật kết hợp sự cổ kính và hơi thở đương đại. “Qua sân khấu thực cảnh, áo dài và bản sắc của đờn ca tài tử cũng như các danh thắng, di sản khác được nâng tầm giá trị thực sự”, NTK Minh Hạnh nói

Theo đại diện Công viên Ấn tượng Hội An và Nhà hát Ký ức Hội An, di sản của Hội An là ‘một thực thể sống’ với hai mặt giá trị. Một bên là những giá trị văn hóa bề nổi đang được bổ sung, thay đổi thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu cần có của một thành phố du lịch. Một bên là cuộc sống thực của người dân phố Hội ngay trong lòng di sản. “Công viên Ấn tượng Hội An là một điểm đến độc đáo và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An là không thể bỏ qua với du khách khi tới Hội An, nên chúng tôi thường xuyên tổ chức những chương trình nhằm tăng những giá trị trên, góp phần đưa văn hóa Việt, giá trị Việt đi ra thế giới”.

Được biết để Lễ hội Áo dài có thể diễn ra thuận lợi, hàng trăm diễn viên, người mẫu, biên đạo múa đã luyện tập nghiêm túc nhiều ngày liên tục trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt. “Lễ hội Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An đang tiếp tục tôn vinh, định danh và minh chứng nghiêm túc với cộng đồng và thế giới về nguồn gốc, vẻ đẹp và giá trị của áo dài, của danh thắng, di sản Việt Nam, theo một cách hoàn toàn mới”, đại diện nhà hát Ký ức Hội An chia sẻ.

Một số hình ảnh áo dài tại Lễ hội Áo dài Hội An:

Các người mẫu trong các thiết kế của Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ văn hóa thờ cúng vua Hùng

Các người mẫu trong bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ các nét văn hóa của Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)

Mỗi bộ sưu tập là một chủ đề khác nhau nhưng đều có điểm chung là tôn vinh vẻ đẹp bất biến của áo dài Việt Nam

Nét mềm mại, tao nhã trong một bộ sưu tập mang đậm nét Huế

Lễ hội áo dài có ý nghĩa kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai với sự tham gia của nhiều người mẫu nhí

Áo dài Việt Nam hiện lên ảo diệu và thuần khiết trên sân khấu thực cảnh Hội An

Chương trình có sự tham gia của danh ca Elvis Phương

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ton-vinh-ve-dep-bat-bien-cua-ao-dai-viet-nam-tren-san-khau-ky-uc-hoi-an-138916.html