Tôn vinh tà áo dài Việt Nam

Chương trình 'Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam' giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập với hơn 1.000 mẫu áo dài của 21 nhà thiết kế trong cả nước.

Tối 28/6, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời mỗi con người, của dòng họ, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện quan trọng của đất nước, áo dài luôn là trang phục trang trọng, lịch lãm bởi áo dài ẩn chứa giá trị văn hóa và triết lý sống của người Việt. Với phụ nữ Việt Nam, áo dài còn là trang phục tôn lên vẻ đẹp, sự thanh lịch duyên dáng của người phụ nữ, để lại những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ trong lòng người dân nước Việt và bè bạn quốc tế. Áo dài trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca, âm nhạc, mỹ thuật và thực sự đã trở thành những “di sản” có sức mạnh bền bỉ để trường tồn qua bao biến thiên của lịch sử.

Đêm trình diễn “Áo dài- Di sản văn hóa Việt Nam” với sự tham gia của các nhà thiết kế tài năng, tâm huyết, đặc biệt ý tưởng độc đáo và đạo diễn xuất sắc của nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh - người đã dành trọn thời gian xuân sắc nhất của mình để nâng tầm giá trị của áo dài Việt ra thế giới, bằng tình yêu, đam mê và khát vọng cống hiến, chị đã đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hành trình vận động để khẳng định vị thế của áo dài trong đời sống xã hội.

Bà Hà Thị Nga cho biết, sự kiện này là một trong chuỗi các hoạt động liên quan đến áo dài đã và sẽ diễn ra sôi nổi khắp các tỉnh/thành trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, tháng 10 năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động cao điểm quy mô và đặc sắc để tôn vinh áo dài Việt Nam.

“Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam muốn được góp một phần công sức để các giá trị của áo dài sẽ được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản văn hóa thế giới”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định

Chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập với hơn 1.000 mẫu áo dài của 21 nhà thiết kế trong cả nước. Hình ảnh, vẻ đẹp của 20 di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận được đưa lên những tà áo dài truyền thống, đầy tinh tế.

Đó là bộ sưu tập “Vịnh Hạ Long” của nhà thiết kế Nguyễn Thúy; “Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc” của nhà thiết kế Vũ Trần Đức Hải; “Danh thắng Tràng An” của nhà thiết kế Hùng Việt) hay “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của nhà thiết kế Minh Minh; “Cao nguyên đá Đồng Văn” của nhà thiết kế Hoài Nguyễn; “Hoàng Thành Thăng Long” của nhà thiết kế Nhi Hoàng); “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy...

Với sự sắp xếp khéo léo của 400 chiếc đèn lồng trắng và sen hồng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng trở nên lung linh trong những khúc ca truyền thống, những giai điệu tưởng như xa lạ nhưng lại rất đỗi thân quen cùng sự xuất hiện của những tà áo dài do 60 người mẫu chuyên nghiệp, 100 sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, 50 trẻ em, người nước ngoài sống tại Hà Nội là phu nhân các đại sứ, các biên tập viên truyền hình, người nổi tiếng.

Trên nền của tà áo dài, di sản văn hóa Việt Nam mang một sức sống mới, truyền cảm hứng, giá trị nhân văn về tình yêu và lòng tự hào đối với đất nước, con người và áo dài Việt Nam./.

Minh Châu

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ton-vinh-ta-ao-dai-viet-nam-558007.html