Tôn vinh những thanh âm đặc sắc của dân tộc

Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 diễn ra sôi động tại 5 tỉnh, thành phố: Đắc Lắc, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Hà Nội từ ngày 18-9 đến 5-10. Gần 40 chương trình dự thi của 35 đoàn nghệ thuật, với sự tham gia của lực lượng hùng hậu gần 700 thí sinh đã cho thấy âm nhạc dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn và phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng, miền trên cả nước.

Cuộc “tổng kiểm kê” tài sản âm nhạc dân tộc

Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Năm nay dự kiến diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Ban tổ chức (BTC) đã quyết định tổ chức cuộc thi tại 5 địa điểm. Việc thi phân bố theo khu vực tạo điều kiện cho một số đoàn không có điều kiện về kinh phí đi xa dự thi đã mạnh dạn tham gia.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hạnh Nhân, thành viên Ban giám khảo (BGK): Cuộc thi lần này cho thấy sức sống mãnh liệt của các thanh âm, giai điệu dân tộc. Mỗi đoàn mang đến một sắc vẻ riêng của địa phương mình. Tây Nguyên với âm hưởng khỏe khoắn của những hồi trống da voi, trầm hùng của cồng chiêng; về TP Hồ Chí Minh lại là âm hưởng Nam Bộ dạt dào, xen lẫn âm thanh của dàn ngũ âm Khmer, trống ghi-năng của đồng bào Chăm; tới Thanh Hóa là những thanh âm dịu dàng, duyên dáng đậm chất Đồng bằng Bắc bộ; đến Vĩnh Phúc lại bắt gặp chất liệu của đàn tính, làn điệu then; về tới Hà Nội, hội tụ âm hưởng phong phú của khắp các vùng, miền.

 Tiết mục độc tấu đàn tỳ bà của nghệ sĩ Thanh Huyền, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Tiết mục độc tấu đàn tỳ bà của nghệ sĩ Thanh Huyền, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Sự tham gia hùng hậu nhất từ trước tới nay của gần 700 nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cho thấy tình yêu với nghệ thuật dân tộc luôn âm ỉ và chỉ chờ cơ hội để bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết. Thông qua cuộc thi, các nghệ sĩ đã phô diễn những tinh hoa của âm nhạc dân tộc được tiếp nối từ lớp lớp các thế hệ. “Dù thực tế, trong thời gian qua, các đoàn nghệ thuật địa phương buộc phải sáp nhập, nhiều nghệ sĩ, diễn viên từ chuyên nghiệp phải chuyển sang nghiệp dư, thật sự là nỗi buồn. Nhưng ngọn lửa tình yêu nghệ thuật của họ vẫn luôn sẵn sàng bùng cháy. Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, họ đã hội tụ trong các cuộc thi để thể hiện khát khao cống hiến, lan tỏa giá trị đẹp của những thanh âm, giai điệu quý giá của dân tộc. Cuộc thi còn có ý nghĩa như một đợt “tổng kiểm kê” vốn tài sản âm nhạc dân tộc, đánh giá kết quả công tác bảo tồn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy dòng nhạc truyền thống của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc”, NSƯT Hạnh Nhân cho hay.

Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi còn được livestream trực tiếp trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Từ Hà Lan trở về nước dịp này, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ, anh cảm thấy thú vị khi được xem tất cả tiết mục của cuộc thi ở khắp các địa điểm, muốn xem lại cũng chỉ cần một cú nhấp chuột. Đến xem trực tiếp 8 đoàn diễn liên tục tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội), nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết, cuộc thi năm nay đã có sự đổi mới vượt bậc, nhiều người diễn trẻ, người sáng tác trẻ đầu tư chất xám để có tác phẩm mới, khả năng trình diễn của nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp hơn. Tư duy làm âm nhạc dân tộc đang đi đúng hướng, kết hợp truyền thống và hiện đại để có thể đáp ứng được thị hiếu của khán giả nghe nhạc ngày hôm nay và không xa đến được với khán giả quốc tế.

Tiết mục hòa tấu của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, Phó trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Năm nay, các đoàn dự thi rất mạnh và có sự chuẩn bị tốt. Trình độ tăng lên rất khá. Mỗi đoàn đều cố gắng có một sự thử nghiệm mới, nỗ lực của riêng mình, nhất là đã thấy một thế hệ trẻ với những sáng tác mới, phối khí mới bắt kịp thời đại. Vậy là chúng ta phần nào yên tâm đã có một thế hệ trẻ kế thừa, biết nâng niu tiếng đàn dân tộc”.

Cầu nối gắn kết các dân tộc anh em

Tại cuộc thi, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắc Lắc trình diễn 3 tiết mục: “Hồn đất mẹ”, “Vía trời cha” và “Tiếng lòng gọi bạn”. NSND Y San Aliô, trưởng đoàn cho hay: “Cả 3 tiết mục trong chương trình đều có sự gắn kết với nhau, đó là sự gắn kết của buôn làng và bản sắc của các dân tộc”. Đó là sự kết hợp của những làn điệu dân ca dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Xê Đăng phong phú, đặc sắc và nhạc điệu của tre, nứa hòa cùng tiếng cồng chiêng tạo nên âm thanh nhiều sắc màu. Đó là tiếng trầm hùng của núi rừng, lại có lúc thánh thót như tiếng suối chảy, lúc thì âm vang như dòng thác tạo nên những âm thanh nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người, trời đất và thần linh, giữa hiện tại và quá khứ. Tất cả hòa quyện để ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống đại ngàn từ xưa vọng về.

Tại địa điểm Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã phô diễn tới bạn nghề và đông đảo khán giả những tác phẩm hòa tấu và độc tấu đặc sắc. Nội dung của các chương trình được dàn dựng công phu, xuyên suốt, liền mạch của các tác phẩm vừa có ý nghĩa tôn vinh, bảo tồn và phát huy các thanh âm, giai điệu, nhạc cụ dân tộc, vừa có những tác phẩm mới ca ngợi hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó còn có các tác phẩm ca ngợi tình đoàn kết, hữu nghị quốc tế...

Trên sân khấu tối 2-10, Trung úy QNCN Hà Công Cương (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội)-người vừa xuất sắc giành giải nhất với các tác phẩm độc tấu nhạc cụ tại đấu trường Army Games 2020 trở về, đã cuốn hút đông đảo khán giả bằng những thanh âm quyến rũ của sáo trúc và lối trình diễn vui tươi với hai tác phẩm độc tấu “Truy kích” và “Men say”. Tác giả của hai tác phẩm này là nhạc sĩ trẻ Minh Dương, cho biết, “Truy kích” là tác phẩm được nhạc sĩ sáng tác cho Công Cương trình diễn tham dự cuộc thi. Tác phẩm viết về hình tượng người chiến sĩ thời bình, nhưng luôn đối diện với những khó khăn, vất vả, đôi lúc còn là sự hy sinh. Tuy nhiên, ở đó vẫn là niềm tin yêu, sự lạc quan, cống hiến vì bình yên, dựng xây quê hương, đất nước. Viết nên tác phẩm, biểu diễn thành công tác phẩm trong cuộc thi, cả người diễn và tác giả sáng tác đều chung mong muốn tác phẩm sẽ được tiếp tục lan tỏa đến đông đảo quân và dân trong cả nước.

Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó trưởng ban tổ chức: Cuộc thi ngoài ý nghĩa góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc, đặc biệt là âm nhạc trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đây cũng là sân chơi rất đặc thù cho những người nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cứ mỗi đợt tổ chức cuộc thi là một lần các đoàn dốc sức đầu tư kỹ lưỡng từ tập luyện đến dàn dựng tiết mục, chính điều này đã nâng cao tính chuyên nghiệp và tạo động lực cho âm nhạc dân tộc phát triển. “Tôi tin chắc rất nhiều chương trình dự thi lần này nếu mang đi biểu diễn sẽ vô cùng thu hút, lôi cuốn, đặc biệt là với khách quốc tế. Những âm thanh thấm đẫm hồn dân tộc của các nhạc cụ truyền thống qua sự thể hiện đầy thăng hoa của nghệ sĩ sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp đối với công chúng”, nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ton-vinh-nhung-thanh-am-dac-sac-cua-dan-toc-639791