Tôn vinh những nhà sáng chế 'chân đất'

Những chiếc máy nông nghiệp đa năng, từ cày xới, đến, phun thuốc, bón phân, thu hoạch mía… là sáng chế của nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới.

Tối 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trao danh hiệu cho 87 nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới.

Học hết lớp 5 sáng chế máy thu hoạch mía

Một trong những nhà sáng chế chân đất được chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" tôn vinh năm nay là ông Phi Anh Đệ (40 tuổi ở Phú Yên). Chúng tôi tới thăm ông Đệ, đúng ngày ông ra mắt chạy thử nghiệm máy thu hoạch mía.

Chứng kiến chiếc máy chạy băng băng trên ruộng mía với những công đoạn thu hoạch mía nhanh gọn, hiệu quả, đông đảo bà con trồng mía, các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng chia vui với ông Đệ.

Ông Phi Anh Đệ sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh Bắc Ninh, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi học hết lớp 5, ông phải nghỉ học theo gia đình vào xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) lập nghiệp.

Năm 2000, ông vào TP.HCM làm công nhân và học nghề cơ khí, sau đó quay về xã Sơn Nguyên lập gia đình và mở tiệm cơ khí nhỏ để kiếm sống. Đặc biệt, xã Sơn Nguyên nơi ông sinh sống là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Phú Yên với hơn 1.900 ha mía.

Học hết lớp 5, ông Phi Anh Đệ sáng chế ra nhiều máy chuyên dụng cho sản xuất mía. Ảnh: Hùng Phiên.

Do vậy, xưởng cơ khí của ông Đệ cũng sản xuất, chế biến chủ yếu là những dụng cụ chuyên cho sản xuất mía. Dần dần, ông Đệ bắt đầu mày mò, nghiên cứu chế tạo ra những loại máy móc làm thay sức người trồng mía.

Ban đầu là cải tiến chiếc cày đất truyền thống thô sơ, sau đó chế tạo thành máy cày ngầm bỏ phân mía, máy xới cỏ mía, máy phun thuốc cỏ mía và máy băm rác mía sau thu hoạch. Mỗi loại máy do ông Đệ chế tạo ra được người trồng mía chấp nhận và sử dụng rất hiệu quả.

Đến nay, ông Đệ đã cải tạo và sáng chế ra 7 loại máy nông nghiệp phục vụ cho cây mía. Mới đây, người đàn ông 40 tuổi đã sáng chế ra máy thu hoạch mía với công năng của máy này một ngày có thể chặt được 600 tấn mía thay thế cho khoảng 70 công lao động chặt mía thủ công như hiện nay, đồng thời chặt được sát gốc, không để gốc cao như chặt tay bình thường.

Ngoài ra, trong lúc thu hoạch, máy cũng đã băm rác mía vụn được một phần để làm phân hữu cơ bón cho vụ mía sau. So với máy thu hoạch mía của nước ngoài, chiếc máy này đã khắc phục được nhược điểm về kích thước quá lớn cồng kềnh mà giá thành lại rẻ chỉ bằng 1/10.

"Một máy thu hoạch mía của nước ngoài phải từ 5-10 tỷ đồng, máy của anh chỉ trên dưới 1 tỷ đồng", ông Đệ chia sẻ.

Hay trường hợp ông Nguyễn Văn Liệu (ở Thái Bình), xuất phát từ chính bản thân gặp khó khăn trong việc giữ giống cá vược qua mùa đông, tỷ lệ sống chỉ dưới 20%, ông tự bỏ kinh phí, mày mò nghiên cứu quy trình lưu cá vược giống qua mùa đông.

Trong suốt 2 năm ròng rã 2007-2008, trải qua bao lần thất bại đến liêu xiêu, cuối cùng ông Liệu đã tìm ra quy trình lưu cá vược qua đông thành công ngoài mong đợi. Hiệu quả đạt được của các quy trình là cho tỷ lệ cá sống trên 95%. Năng suất nuôi thương phẩm đạt được trên 7 tấn/ha.

Bên cạnh đó, ông Liệu và bạn còn nghiên cứu xây dựng thành công quy trình “Ương nuôi cá vược giống trong giai lưới và ao đất”, và quy trình “Nuôi cá vược thương phẩm ghép 3 đối tượng: cá vược - cá rô phi - vọp”.

Ông Nguyễn Văn Liệu (ở Thái Bình) với mô hình nuôi cá vược mùa đông. Ảnh: Hà Thu.

Quy trình nuôi ghép 3 đối tượng được ông Liệu thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ về đặc điểm, tập tính sống của từng loài, đã tạo ra một chu trình khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2009, tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Bình, 2 quy trình nuôi cá vược giống qua đông và nuôi ghép cá vược thương phẩm đạt giải nhất..

Tôn vinh những "anh hùng" thầm lặng

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban tổ chức chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam", cho biết năm 2017 là năm thứ 5 liên tiếp chương trình được tổ chức. Sau 5 lần, 338 nông dân trên khắp mọi miền đất nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Đây là những nông dân đại diện cho sự năng động, giỏi giang, cần cù, chịu khó, sáng tạo và là những hội viên nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam, là người có uy tín trong cộng đồng.

Năm 2017, có 4 nhóm nông dân tiêu biểu được bình chọn, bao gồm: Nông dân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; trong phong trào xây dựng nông thôn mới; trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ quyền quốc gia; có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Lý, trong số 87 nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới được bình chọn và tôn vinh thì có 4 nông dân có phát minh sáng kiến, giải pháp kỹ thuật mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

"Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam với việc tôn vinh, tiếp sức những nhà sáng chế “chân đất” đã góp phần thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sáng tạo đã từng bước lan tỏa trong xã hội. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới, gương điển hình tiên tiến về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ", bà Lý nói.

Những nông dân xuất sắc là những nhà sáng chế "chân đất" là biểu tượng để các hộ nông dân khác học tập, vươn lên xứng đáng trở thành những nông dân của thời đại mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Hà Thu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ton-vinh-nhung-nha-sang-che-chan-dat-post787060.html