Tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu mẫu mực của Thủ đô

Ngày 8/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động 'Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' và đánh giá 01 năm thực hiện phong trào thi đua 'Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học'. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam, Sở GD&ĐT Hà Nội và đông đảo các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho ngành GD&ĐT Thủ đô.

Trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu

Nhiều chuyển biến tích cực

Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Ngành Giáo dục Hà Nội cho biết: Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm thực thi pháp luật và phục vụ nhân dân trong các hoạt động dạy và học, trong đấu tranh với các tiêu cực học đường và thực hiện nghĩa vụ công dân; ý thức khắc phục khó khăn đi học và tự học để chuẩn hóa trình độ chuyên môn.

Các đơn vị nhà trường luôn quan tâm giáo dục pháp luật, đạo đức, nếp sống cho học sinh trong trường học; tăng cường giáo dục truyền thống đạo đức cho học sinh; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử cho học sinh. Cuộc vận động đã có tác dụng to lớn trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng văn hóa, đạo đức và phẩm giá nhân cách của thầy.

Việc tiến hành đánh giá tổng kết cuộc vận động và phong trào thi đua nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả của các công đoàn viên trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của Ngành trong giai đoạn tới.

Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo cuộc vận động và phong trào thi đua đã phân công đại biểu về dự tổng kết ở tất cả các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc.

Nhiều quận, huyện, trường học đã tổ chức tổng kết nghiêm túc, đạt kết quả cao như ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thanh Oai, Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất; các trường THPT Cổ Loa, Hoàng Cầu, Đống Đa, Hai Bà Trưng - Thạch Thất, Đa Phúc các đơn vị đã làm tốt công tác tổng kết nêu gương các điển hình tiên tiến, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được khen thưởng đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong việc thực hiện cuộc vận động và phong trào thi đua.

Tăng cường phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên

Ông Chử Xuân Dũng Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Hưởng ứng phong trào đổi mới sáng tạo, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) ngày càng được đẩy mạnh và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều SKKN có giá trị được phổ biến, áp dụng trong thực tế giảng dạy.

Trong 10 năm qua có 211.956 SKKN được xếp loại cấp trường; 114.092 SKKN được xếp loại cấp quận, huyện; 50.314 SKKN xếp loại cấp Ngành trong đó có 29 SKNN loại A và 12.445 loại B. 102 cá nhân được UBND Thành phố tặng Bằng khen “Sáng kiến, sáng tạo” Thủ đô.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Trong 10 năm vừa qua cuộc vận động thực sự mang lại sức sống trong các nhà trường. Cuộc vận động đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Giáo dục Thủ đô có nhiều bước tiến bộ vượt bậc, có nhiều thành tích ấn tượng. Kết quả thi học sinh giỏi tăng về số lượng và chất lượng. Kết quả thi học sinh giỏi và thi THPT quốc gia, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước với tỷ lệ ấn tượng. Để có được thành tích đó, có sự cống hiến bền bỉ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội các thầy cô giáo trong các nhà trường.

Trong thời gian sắp tới, các thầy cô giáo và các nhà trường cần thực hiện tốt việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên. Chuẩn bị tốt nhất cho công tác triển khai về chương trình giáo dục phổ thông.

Trong đó chú trọng các kỹ năng lập kế hoạch dạy học, các kỹ năng triển khai dạy học tích cực, các kỹ năng kiểm tra đánh giá các kết quả học tập và những kỹ năng khác mà người giáo viên cần được tiếp tục phát triển trong quá trình dạy học, để tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới;

Chú trọng nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng nhà giáo mẫu mực. Bởi bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, mỗi nhà giáo cần có nhân cách, phẩm chất để dạy học sinh bằng chính phẩm chất và nhân cách của chúng ta.

Minh Châu

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ton-vinh-nhung-nha-giao-tieu-bieu-mau-muc-cua-thu-do-3905725-v.html