Tôn vinh những người thầy nghệ sĩ

Chỉ là một phần nhỏ trong hành trình marathon 16 tiếng “Ngày Thầy trò”, kéo dài từ 7 giờ tới 23 giờ ngày 20/11, nhưng phần chia sẻ của những cặp thày trò nghệ sĩ, cũng như chương trình nghệ thuật “Tình Thầy trò” (phát sóng từ 19 giờ đến 20 giờ tối 20/11), đã mang tới cho người xem những cảm xúc vô cùng đặc biệt, bởi những câu chuyện thầy trò cảm động xuyên qua bao thế hệ, cũng vô cùng đặc biệt.

Dòng chảy không ngừng

Trong chương trình, lần đầu tiên NSND Trần Hiếu chịu tiết lộ câu chuyện về thời ông đã từng phải chạy vòng quanh để “nài nỉ” NSƯT Quốc Hưng đi học trở lại.

Khi đó, NSƯT Quốc Hưng đã công tác ở đoàn chèo, nhưng vì niềm đam mê với âm nhạc, anh đến xin theo học thanh nhạc với thầy Trần Hiếu. Nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Quốc Hưng quyết định bỏ học thanh nhạc để dành thời gian đi kiếm tiền nuôi gia đình. Tiếc cho một tài năng, NSND Trần Hiếu chạy khắp nơi, gọi học trò đi học lại. Khi có giấy báo Quốc Hưng đỗ vào Nhạc viện, trực tiếp NSND Trần Hiếu đã mang tới đoàn chèo cho Quốc Hưng.

Biết hoàn cảnh của NSƯT Quốc Hưng, NSND Trần Hiếu bảo học trò: “Cứ đi học đã, mọi việc tính sau”. Chính nhờ tấm lòng bao la của người thầy, NSƯT Quốc Hưng được đi học, được sống với đam mê của mình và trở thành người thầy của biết bao thế hệ học trò âm nhạc ngày hôm nay.

“Trong suốt 9 năm học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chỉ có một thầy, một trò cùng cây đàn piano với vô vàn kỷ niệm… Thời đó, sinh viên rất đói, thầy cũng không khá hơn là bao. Thế nhưng thầy vẫn dành dụm tiền cho tôi vì sợ tôi ngất, không đủ sức khỏe học tập. Mùa đông, lạnh quá tôi trốn học, thầy lên tận ký túc xá gọi: "Hưng ơi, dậy đi học", trìu mến lắm", NSƯT Quốc Hưng nhớ lại.

Thầy trò Trần Hiếu - Quốc Hưng song ca “Hành khúc ngày và đêm”, để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Ảnh: BTC cung cấp

NSƯT Quốc Hưng tâm sự, anh không bao giờ quên được những gì mà NSND Trần Hiếu đã dành cho mình, cả sự tận tình chỉ bảo, lẫn sự quan tâm trong đời sống của học trò. Đó chính là những người thầy đã “trồng người”, đem đến niềm tin yêu cuộc sống và nuôi dưỡng những nhân tài thực sự cho xã hội. Sau này khi trở thành giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSƯT Quốc Hưng luôn tự hào khi giữ lại được những gì thầy truyền dạy. Nhiều lúc, chính anh còn giật mình vì tác phong, giọng hát rất giống thầy khi xưa…

Cảm động về tấm tình mà thầy Trần Hiếu dành cho mình, nên sau này, NSƯT Quốc Hưng cũng đã mang “tâm thế” ấy để đi dạy những học trò của mình. Trong sự nghiệp làm thầy, NSƯT Quốc Hưng có nhiều học trò thành tài như Mạnh Hoạch, Quang Hà, Đỗ Tùng Lâm, Nguyễn Trần Trung Quân, Thành Chung…

Chia sẻ về thầy, Nguyễn Trần Trung Quân cho biết: “Tôi phải cảm ơn thầy trong giai đoạn 8 năm qua luôn động viên tôi học tập tốt về thanh nhạc cổ điển, dù có những lúc tôi đã gần như rất nản và muốn bỏ cuộc với phong cách âm nhạc cổ điển này để tìm hiểu nhiều hơn về nhạc nhẹ. Thầy lại là người kéo tôi vào đúng quy trình chuẩn của đào tạo thanh nhạc. Tôi thực sự biết ơn và trân trọng công sức và sự tận tụy của thầy dành cho tôi”.

Còn với nam ca sĩ Thành Chung, anh cũng không bao giờ quên ơn nghĩa cao đẹp của thầy Quốc Hưng, người đã chắp cánh cho anh được thực hiện giấc mơ hát của mình từ một chàng trai nghèo khó, bôn ba ngoài xã hội.

Lần đầu tiên đứng chung sân khấu

Những câu chuyện giản dị và ấm áp về tình thầy trò làng nhạc cứ thế được dẫn dắt bởi MC Nguyên Khang trong chương trình. Nó khiến khán giả hiểu được rằng, những người thầy, người cô thực sự không chỉ là những người làm công tác giáo dục, mà còn là người cha, người mẹ, đem đến một cuộc sống mới cho các học trò của mình. Giống như ca sĩ Khánh Linh đã luôn biết ơn NSND Quang Thọ bởi đã nhận cô là học trò, khi mà không có ai muốn nhận cô khi đó. Hay câu chuyện về tình cảm gắn bó giữa NSND Thu Hiền và Sao Mai Lương Nguyệt Anh…

Chương trình truyền hình “Ngày Thầy trò” do Mobi TV kết hợp với Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình VTC thực hiện, đã diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ những nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa, các vùng giáp ranh biên giới như Hà Giang, tới những vùng đất còn đang hứng chịu hậu quả thiên tai lũ lụt như Hà Tĩnh…

Điều đặc biệt hơn trong cầu truyền hình “Ngày Thầy trò”, đó là lần đầu tiên những cặp thầy trò này được đứng chung một sân khấu và hát cùng nhau, những ca khúc ngợi ca chính nghề nghiệp của mình.

Trong cuộc sống bộn bề, mỗi người mỗi việc, mặc dù tình cảm thầy trò gắn bó, nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện để đứng chung với nhau trên sân khấu. Vì vậy, thật sự nhiều cảm xúc khi NSND Trần Hiếu và NSƯT Quang Hưng song ca “Hành khúc ngày và đêm”, đầy ung dung, tự tại. Càng thật sự nhiều cảm xúc khi hai thầy trò ôm choàng nhau khi kết thúc ca khúc, gắn bó và không muốn rời xa.

Hay khi NSND Quang Thọ và ca sĩ Khánh Linh song ca “Hãy đến với anh”; NSND Thu Hiền và Sao Mai Lương Nguyệt Anh cùng sẻ chia và cất cao tiếng hát.

Không song ca với thày, nhưng ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân- học trò của NSƯT Quang Hưng đã trình bày một sáng tác của mình - ca khúc “Cha tôi”, để tặng thầy, nhưng cũng là tặng chính cha mình - một nhà giáo…

P.T

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/ton-vinh-nhung-nguoi-thay-nghe-si-20161120223239395.htm