Tôn vinh những đóng góp của Đức vua Ngô Quyền với đất nước

Năm 938, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, nhân dân ta đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc; mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước ta. Để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ vị vua có công lao xây dựng quốc gia độc lập, TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu tư liệu về Ngô Quyền, xây dựng đền thờ Ngô Quyền và tổ chức lễ hội hằng năm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức vua tại Cổ Loa.

Năm 938, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, nhân dân ta đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc; mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước ta. Để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ vị vua có công lao xây dựng quốc gia độc lập, TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu tư liệu về Ngô Quyền, xây dựng đền thờ Ngô Quyền và tổ chức lễ hội hằng năm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức vua tại Cổ Loa.

Ngô Quyền xưng Vương năm 939. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (gần 30 năm), nhưng triều Ngô đã để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Đúng vào dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền - vị Tổ Trung hưng đất nước”. Tại hội thảo, các nhà khoa học đầu ngành đã khẳng định, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, kết thúc thời kỳ Bắc thuộc của dân tộc. Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa đã thể hiện quyết tâm xây dựng một quốc gia độc lập; đồng thời kế thừa truyền thống của nước Âu Lạc thời An Dương Vương. Nếu không có Ngô Quyền, sẽ không có triều Đinh, triều Lê rồi tiếp đến là triều Lý sau này. Ngô Quyền xứng đáng là vị Tổ Trung hưng, đặt nền móng cho nước Đại Việt độc lập, tự cường.

Theo các nhà khoa học, hiện nay, nước ta có hơn 80 di tích thờ Ngô Quyền. Trong đó, nhiều nhất ở Hải Phòng - nơi diễn ra trận chiến Bạch Đằng - có khoảng 60 địa điểm. Hà Nội là quê hương Ngô Quyền, cũng là nơi ông chọn đóng đô, song số lượng di tích lại khiêm tốn hơn rất nhiều, với bốn nơi thờ phụng. Riêng mảnh đất Cổ Loa, nơi Ngô Quyền đóng đô lại không có di tích thờ tự nào. Hiện, việc nghiên cứu thực địa về triều Ngô tại Hà Nội gặp khó khăn, do triều đại tồn tại ngắn. Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Dấu ấn văn hóa vật chất quan trọng nhất cho biết thông tin về triều Ngô là quả chuông Nhật Tảo được các nhà Hán Nôm học phát hiện ở đình Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu tích văn hóa vật chất thế kỷ thứ 10 ở Cổ Loa tại gò Mả Tre. Các nhà khảo cổ học hy vọng, đến thời điểm nào đó sẽ tìm thấy dấu tích thời Ngô ở Cổ Loa”.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học đều khẳng định, với những cứ liệu lịch sử đã có, với công lao của Ngô Quyền đối với đất nước, việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa là vô cùng cần thiết. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền đã được TP Hà Nội đặt ra từ lâu. Từ năm 2002, khi hoàn thành quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa, thành phố đã xác định sẽ xây dựng công trình tôn vinh Ngô Quyền và cố gắng tìm ra những vết tích liên quan đến Ngô Quyền ở Cổ Loa làm căn cứ xây dựng, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, khi tiến hành xây dựng đền thờ Cổ Loa cần đặt trong tổng hòa các di tích của cả khu Cổ Loa, xác định điểm di tích chính, di tích phụ, tránh phá vỡ không gian di tích”.

Tiến sĩ Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (đơn vị quản lý Khu di tích Cổ Loa) cho biết: “Trung tâm phối hợp các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổng hợp các nguồn tư liệu, tài liệu về Ngô Quyền xưng vương và trị vì tại Cổ Loa để xây dựng dự án đền thờ Ngô Quyền. Vị trí đang được nghiên cứu để xây dựng là khu vực có đường nội bộ bao quanh, phía bắc và phía đông là khu dân cư xóm Chợ. Hướng của công trình trùng với hướng đình Ngự Triều Di Quy theo hướng bắc - nam. Cấu trúc đền thờ chia làm ba khu vực chính: Khu vực thờ; khu trưng bày, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của vua Ngô Quyền và khu vực lễ hội”. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng đang nghiên cứu và phát huy giá trị các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền tại Cổ Loa; nghiên cứu xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương thường niên tại Cổ Loa.

Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Phương án xây dựng đền Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ vị vua có công lao xây dựng quốc gia độc lập đã được TP Hà Nội tính đến nhiều năm qua. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu tư liệu về Ngô Quyền, xây dựng dự án đền thờ Ngô Quyền và đưa ra những phương án tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao to lớn của Đức vua Ngô Quyền hằng năm tại Cổ Loa”. Đến thời điểm này, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh cũng đã có văn bản báo cáo với Thành ủy, UBND thành phố xin được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng đền thờ Ngô Quyền trong thời gian tới.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/ton-vinh-nhung-dong-gop-cua-duc-vua-ngo-quyen-voi-dat-nuoc-619257/