Tôn vinh những 'bông hoa đẹp' ngành LĐ-TB&XH

Với chủ đề xuyên suốt 'Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020', 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển đất nước.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đưa các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Dũng.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đưa các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Dũng.

"Không ai bị bỏ lại phía sau"

5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB&XH đã phát triển sâu rộng, trên mọi lĩnh vực. Từ những phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Lào Cai, Bắc Cạn, Lai Châu... đã thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.Hà Nội, Cần Thơ... về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; Bắc Giang, Quảng Ngãi... về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; TP. Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai... đã thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động; Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp... có thành tích trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Giai đoạn 2015 - 2020, thị trường lao động Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực; lực lượng lao động cả nước tăng từ 53,9 lên 56,12 triệu người; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động luôn duy trì trên 70%. Trong 5 năm, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 7.854 nghìn người, đạt mục tiêu đề ra. Công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2020 có chuyển biến tích cực, nhất là tuyển sinh trình độ trung cấp có đầu vào tốt nghiệp THCS. giai đoạn 2015 - 2020, cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ khoảng 11.077 nghìn người, đạt 103%; tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo là 10.212 nghìn người.

Trong lĩnh vực NCC, các chính sách tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng về đối tượng thụ hưởng, nâng cao mức trợ cấp NCC, nhiều đề án mới được xây dựng và tổ chức thực hiện như: Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giải quyết hồ sơ tồn đọng. Từ năm 2016 đến nay, đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 3.232 liệt sĩ, cấp đổi lại trên 80.000 bằng Tổ quốc ghi công. Thực hiện Quyết định 408 về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, 5.900 hồ sơ tồn đọng trên cả nước đã được rà soát, giải quyết (trong đó, Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; còn lại là hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình đạt lý).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi sức khỏe các Bà mẹ VNAH. Ảnh: Mạnh Dũng.

Hưởng ứng "Phong trào cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau", Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều… Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 3%; giảm bình quân trên 1,4%/năm (đạt chỉ tiêu Quốc hội giao); riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%, giảm bình quân trên 5,6%/năm (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao).

Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được xây dựng, ban hành ngày càng hoàn thiện hơn, bao phủ được phần lớn các đối tượng bảo trợ xã hội. Số đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho 3.041.731 đối tượng bảo trợ xã hội...

Giai đoạn 2016 - 2019, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cứu trợ thiên tai cho các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trên 60.532 tấn gạo, cứu đói cho 2.395,826 nhân khẩu. Số tiền hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai là 6.885 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "5 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" trong ngành LĐ-TB&XH. Các phong trào đã lôi cuốn được sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về lao động, NCC và xã hội của Bộ LĐ-TB&XH đã được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ xây dựng trình và thông qua nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực của Ngành. Riêng năm 2019, Bộ đã hoàn thành và trình 20 đề án bảo đảm đúng tiến độ. Những đóng góp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên từng vị trí công tác được ghi nhận, tôn vinh đã tạo nên sức lan tỏa của phong trào thi đua yêu nước của Ngành, thể hiện qua kết quả các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng".

Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em bước đầu được hoàn thiện, đồng bộ; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em; số lượng thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đến Tổng đài 111 từ năm 2016 đến hết tháng 6/2020 là 1,7 triệu cuộc gọi đến. Trong 5 năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 429,2 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ trên 590.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí trên 352 tỷ đồng. Bộ tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, đầu mối về lao động, phúc lợi xã hội, phụ nữ, trẻ em trong hợp tác ASEAN; tham gia tích cực vào các cơ chế khu vực khác gồm Tiểu vùng sông Mê Kông, ACMECS, 3 nước Đông Dương, đặc biệt là triển khai tốt các hoạt động năm Chủ tịch ASEAN.

Lĩnh vực thanh tra, trong 4 năm (2016 - 2019), Thanh tra ngành LĐ-TB&XH đã tiến hành 29.125 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 175.973 kiến nghị yêu cầu các đối tượng thanh tra khắc phục sai phạm, 4.965 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 155,347 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 463,685 tỷ đồng.

Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử của Bộ; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính có tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp. Kết quả chấm điểm cải cách hành chính của Bộ đã có bước tiến bộ mạnh mẽ: Năm 2018 xếp thứ 10/18 Bộ, cơ quan; năm 2019 xếp thứ 9/17 bộ, ngành.

Giai đoạn 2020 - 2025: Thực hiện 4 nhiệm vụ, 5 giải pháp

Hệ thống chính sách pháp luật về lao động, NCC và xã hội không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Trong đó, Bộ đã nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khoa học việc thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 để tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới và thay đổi, nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp hơn các cam kết và thông lệ quốc tế về lao động; tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành hầu hết đều đạt kế hoạch ở mức cao nhất.

Những năm tới, phong trào thi đua của Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào các phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu như:

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" trong tình hình mới. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, với chỉ tiêu kế hoạch được giao; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát trong quá trình phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tổ chức xét khen thưởng kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng thành tích, công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch; tôn vinh khen thưởng được chính xác có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương trao Bằng khen cho các thí sinh đạt giải tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020. Ảnh: Mạnh Dũng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 5 giải pháp cơ bản nhằm hoàn thành các nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt các văn bản về thi đua, khen thưởng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và bộ, ngành Trung ương; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Cụm, Khối thi đua trong việc đổi mới phương thức hoạt động, nội dung tiêu chí thi đua từ việc cụ thể hóa những nội dung, tiêu chí thi đua của bộ, ngành, tỉnh thành nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của từng cơ quan, đơn vị. Từng cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức, viên chức và người lao động, làm cơ sở đánh giá chính xác, công bằng. Công tác khen thưởng phải gắn liền với kết quả của phong trào thi đua và thi đua là cơ sở của việc khen thưởng; quan tâm bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến ở cơ sở, ưu tiên hơn nữa tỷ lệ xét khen thưởng đối với nhân viên, người lao động trực tiếp tạo sự lan tỏa trong toàn Ngành. Thủ trưởng đơn vị và cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng thường xuyên bám sát phong trào, phát hiện những sáng kiến hay, những nhân tố mới, mô hình mới và điển hình tiêu biểu trong phong trào...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương: "Những công việc thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của người lao động ngành LĐ-TB&XH". Cùng với cả nước, Ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện rất tốt các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành và chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững hướng tới mục tiêu cải thiện, từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ngoài việc tham mưu trình Nhà nước và Chính phủ, rất nhiều văn bản liên quan tới công tác giảm nghèo đã hưởng ứng rất tích cực phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần cùng cả nước hỗ trợ cho địa bàn nghèo, cho đối tượng hộ nghèo/cận nghèo/thoát nghèo và người khó khăn.Tôi đánh giá cao vai trò của Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tôi thật sự xúc động và cảm phục những công việc thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành.

Những công việc thầm lặng, cao quý

Thực hiện lời dạy của Bác:"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...", "Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua", thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ-TB&XH không ngừng phấn đấu, hăng hái thi đua, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Bà Hồ Hải Hậu, Trưởng khoa Can thiệp trẻ tự kỷ Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Ba Vì (Hà Nội): "Điều may mắn và hạnh phúc trong công việc là được làm đúng nghề mình đã chọn"

Trẻ tự kỳ được can thiệp tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Với nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của Khoa Can thiệp trẻ tự kỷ, bà Hồ Hải Hậu trực tiếp tham gia chẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỷ, tư vấn cho phụ huynh, can thiệp cho trẻ tự kỷ; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung.

Bên cạnh đó, bà còn trực tiếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn cho tập thể giáo viên tại khoa, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giáo viên; hỗ trợ, chuyển giao mô hình can thiệp trẻ tự kỷ cho đơn vị bạn, góp phần phát triển cộng đồng và tăng mối đoàn kết với các đơn vị trong ngành.

Với những kết quả đã đạt được, bà Hồ Hải Hậu đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2017, 2018, 2019; được Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen năm 2019; Hội Phục hồi chức năng TP. Hà Nội tặng Giấy khen năm 2017; Giấy khen của Chi bộ Trung tâm năm 2018, 2019; Giấy khen của UBND huyện năm 2015, 2016.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh: "100% đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng kịp thời đầy đủ các chính sách của Nhà nước và tỉnh"

Giai đoạn 2015 - 2020, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch, chương trình công tác và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, cụ thể: Chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét từ đào tạo theo năng lực sang theo cung - cầu của thị trường lao động; tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt trên 80%, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh từ 64,5% năm 2015 lên 75,2% năm 2018 và 80% năm 2019, dự báo năm 2020 đạt 85%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Bình quân hàng năm, tạo việc làm mới cho 19.000 người, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ tham gia BHXH của lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 40,3%. Tuyển sinh học nghề hàng năm đạt trên 35.000 lượt người, trong đó trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 5.000 người. 100% gia đình NCC, trong đó đặc biệt quan tâm đến gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ NCC; 100% đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng kịp thời, đầy đủ các chính sách của Nhà nước và tỉnh; các gia đình NCC với cách mạng đều có nhà ở ổn định và chắc chắn. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hỗ trợ xã hội thường xuyên hàng tháng; 100% người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh.

Với những thành tích đã đạt được, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2015), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2019), Cờ thi đua xuất sắc của Bộ LĐ-TB&XH (từ năm 2010 đến 2019), Bằng khen của UBND tỉnh (từ năm 2015 đến 2018); nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước (Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ), Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, Bằng khen của UBND tỉnh.

Bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị: "Tạo đột phá trong công tác xuất khẩu lao động"

Giai đoạn 2015 - 2019, tỉnh Quảng Trị đã tạo việc làm mới cho 59.009 lao động, đạt 124,2% kế hoạch. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 11.800 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra (9.500 lao động). Công tác giải quyết việc làm đã góp phần làm giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 3,7% (cuối năm 2015) xuống còn 3% (cuối năm 2019). Đặc biệt công tác XKLĐ đã có nhiều đột phá, số người XKLĐ năm 2018, 2019 bằng số người XKLĐ giai đoạn 2007 - 2017.

Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là Kế hoạch 1967 về định hướng và phân luồng học sinh gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm tạo cú hích thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chất lượng công tác đào tạo nghề tăng, tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp trên 55%; kết quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tốt hơn, các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm như: Nghề may công nghiệp, dệt thổ cẩm, xây dựng, chế biến gỗ… đã có hiệu quả rõ rệt; công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm.

Bà Dương Thị Hải Yến thắp hương tri ân liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị nhân kỷ niệm 27/7. Ảnh: Thảo Vi.

Bằng các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật và kiểm tra, đôn đốc thực hiện, Bộ luật Lao động ngày càng đi vào thực tiễn; trên 26.500 lượt người được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; tỷ lệ lao động ký kết hợp đồng lao động tăng từ 93% đầu năm 2015 lên 95,3% vào cuối năm 2019. Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm và XKLĐ; thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gắn công tác giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2015 - 2017, Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị đã được Bộ LĐ-TB&XH tặng Cờ thi đua xuất sắc; đặc biệt, năm 2015 được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2017 được Chính phủ tặng Cờ thi đua; năm 2018 được tặng Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH.

Nguyễn Síu - Cù Hòa

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ton-vinh-nhung-bong-hoa-dep-nganh-ld-tbxh-20201117005132557.htm