Tôn vinh hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo Bác

Tối 13-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Lễ trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' giai đoạn 2018 - 2020.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tại lễ trao giải. Ảnh: TRẦN HẢI

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tại lễ trao giải. Ảnh: TRẦN HẢI

Tối 13-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Lễ trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020.

Dự buổi lễ, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cu-ba tại Việt Nam Li-a-nít Tô-rết Ri-vê-ra và phu quân; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cá nhân, tập thể có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo Bác giai đoạn 2018 - 2020.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tiếp nối mạch nguồn cảm xúc về Bác, kể từ năm 2007 đến nay, cứ hai năm một lần, chúng ta cùng họp mặt để tôn vinh, biểu dương các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân trong nước và nước ngoài với niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Bác và cảm xúc chân thành từ trái tim, tâm hồn nghệ sĩ, đã có những tác phẩm sáng tác và các hoạt động quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng ý nghĩa. Năm nay, giải thưởng đã bước sang năm thứ 13 và ngày càng có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt. Ban Tổ chức giải thưởng vui mừng khi nhận được hàng trăm nghìn bài báo, hàng trăm nghìn chương trình, chuyên mục phát thanh, truyền hình, chương trình nghệ thuật; tác phẩm văn học; hàng chục nghìn cuốn sách, hàng trăm bộ phim truyện và phim tài liệu... được sáng tác, quảng bá rộng rãi bằng tất cả tài năng, nhiệt huyết, được công chúng đón nhận và hoan nghênh.

Đồng chí khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú, hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo mãnh liệt cho người sáng tác đến vậy bởi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân thế giới, đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua sự phát hiện và giới thiệu của các cơ quan tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ, đã xuất hiện và lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc làm “bình dị mà cao quý”, “việc nhỏ nghĩa lớn”, thể hiện cụ thể và sinh động việc học tập và làm theo gương sáng của Người, góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, tác giả là người nước ngoài, gửi tham gia giải thưởng. Các địa phương, đơn vị có nhiều tác phẩm nhất là thành phố Hà Nội có gần 700 tác phẩm, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có gần 600 tác phẩm, tỉnh Đồng Nai có 469 tác phẩm, tỉnh Bắc Ninh hơn 400 tác phẩm; tỉnh Cà Mau có 384 tác phẩm… Trong đợt trao giải thưởng lần này, Ban Chỉ đạo giải thưởng trao tặng 228 giải thưởng sáng tác, trong đó có: 2 giải Đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải Khuyến khích; khen thưởng 42 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc về hoạt động quảng bá. Báo Nhân Dân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá các tác phẩm báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban tổ chức đã trao giải cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá và sáng tác giai đoạn 2018 - 2020, thuộc các chuyên ngành: Nhiếp ảnh, Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, Mỹ thuật, Văn học, Văn nghệ dân gian, Múa, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Báo chí, Xuất bản. Các tác phẩm được giới thiệu tại buổi lễ cùng những chia sẻ của những tác giả đoạt giải thưởng mang đến nhiều xúc cảm lắng đọng và tự hào; đồng thời khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo hứa hẹn sự ra đời những tác phẩm sâu sắc, góp phần lan tỏa tinh thần tích cực lao động, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng đã phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2020 - 2025.

* Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), sáng 13-5, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn dẫn đầu đoàn công tác của TP Hà Nội tới dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong ngôi nhà lá của cụ Nguyễn Đình Khuê, ở xóm Lài Cài. Hiện, ngôi nhà được bảo tồn để phục vụ người dân và các đoàn khách đến viếng thăm. Các đồng chí lãnh đạo của thành phố đã dâng hương, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyện phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người.

Dịp này, đoàn công tác đã tới thăm hai gia đình chính sách trên địa bàn xã Cần Kiệm, gồm gia đình bà Đỗ Thị Cẩm (sinh năm 1925) là nơi nuôi giấu cán bộ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; gia đình ông Nguyễn Đình Phung (sinh năm 1947), là con liệt sĩ, gia đình cơ sở cách mạng tại địa phương.

* Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt độc giả ấn phẩm mới Suốt đời học Bác. Cuốn sách giới thiệu 16 câu chuyện về Bác qua ghi chép từ lời kể “người thật việc thật” của nhà báo Kiều Mai Sơn, với những phát hiện và góc nhìn mới. Cuốn sách ghi lại những hồi ức, kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng của các tầng lớp nhân dân dành cho Người. Những câu chuyện cảm động đã khắc họa rõ nét hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản suốt đời tận tụy vì nước, vì dân với những phẩm chất giản dị mà cao đẹp luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ tìm hiểu, học tập, noi theo.

Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản loạt ấn phẩm từ Tủ sách Bác Hồ, như: Nhật ký trong tù - bản dịch trọn vẹn của Viện Văn học, tiểu thuyết Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng, truyện tranh Từ Làng Sen - lời của nhà văn Sơn Tùng, tranh minh họa của họa sĩ Lê Lam và tập chuyện kể Bác Hồ kính yêu.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44458702-ton-vinh-hoat-dong-van-hoc-nghe-thuat-bao-chi-ve-chu-de-hoc-tap-va-lam-theo-bac.html