Tôn vinh giá trị di sản văn hóa Cồng chiêng

Tối 20/11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc các hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2020).

Lễ khai mạc tôn vinh giá trị di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Ảnh: Báo Văn hóa

Lễ khai mạc tôn vinh giá trị di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Ảnh: Báo Văn hóa

Sau 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO vinh danh, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của di sản văn hóa cồng chiêng; tuyên truyền, vận động các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Kỷ niệm 15 năm đón nhận danh hiệu này, tỉnh Gia Lai tổ chức chuỗi hoạt chào mừng nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng như: triển lãm ảnh nghệ thuật “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; tổ chức chương trình kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai, giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, con người, các giá trị ẩm thực đến hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trong nước và hàng ngàn lượt người dân, du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định Gia Lai đã có nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng sau 15 năm được UNESCO vinh danh. Ảnh: Hoàng Ngọc/ Báo Gia Lai

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Kpăh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: 15 năm qua, các cộng đồng cư dân 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai vẫn giữ được không gian, môi trường sống động của cồng chiêng. Tại Gia Lai, qua điều tra tại 1.192 làng đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó có 932 bộ cồng chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có 948/1.192 làng, chiếm gần 80% số làng có cồng chiêng; còn 224 làng, chiếm tỷ lệ gần 19% không còn cồng chiêng. Đơn vị cấp huyện còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất là huyện Ia Grai có 1.116 bộ, trong đó có 353 bộ cồng chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có khoảng 900 nghệ nhân giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết cách chỉnh chiêng. Đặc biệt, năm 2009, tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức thành công Festival quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên và năm 2018 tiếp tục tổ chức thành công Festival quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là 2 sự kiện lớn có tiếng vang và ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ở tầm quốc tế.

“Để không gian văn hóa cồng chiêng tiếp tục được sinh tồn ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra nó, trên cơ sở các quy định hiện hành của nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm đến các cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa cồng chiêng, bằng những chủ trương, đường lối đúng đắn, đặc biệt là các việc làm, chương trình hành động phù hợp. Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều cuộc liên hoan cồng chiêng từ cấp xã đến cấp huyện và tỉnh, khu vực. Không chỉ mỗi dịp Festival, mà ngay cả cồng chiêng của chúng ta nơi các buôn làng cũng đã thực sự làm say đắm lòng người, níu chân du khách mỗi khi đến thăm Gia Lai. Chúng ta hãy làm tốt hơn nữa, để cồng chiêng không chỉ là một điểm nhấn về văn hóa, du lịch mà còn là một đường hướng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

PV (Tổng hợp)

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/ton-vinh-gia-tri-di-san-van-hoa-cong-chieng-184867.html