Tôn vinh đóng góp của nghệ nhân ở Trà Kót

Vượt quãng đường gần 73km từ thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi về thăm thôn 1, nằm bên bờ Bắc của dòng sông Kót, thuộc xã Trà Kót, một xã vùng sâu thuộc huyện Bắc Trà My để tìm hiểu những cống hiến của nghệ dân dân tộc Cor nơi đây trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Ông Dương Lai cùng các nghệ nhân ở xã Trà Kót. Ảnh: Gia Phúc

Ông Dương Lai cùng các nghệ nhân ở xã Trà Kót. Ảnh: Gia Phúc

Chúng tôi ngồi tiếp chuyện ông Dương Lai (58 tuổi) trong ngôi nhà ngói khang trang, bên bộ chiêng, những nhạc cụ truyền thống và cả những ché cổ mà ông dày công sưu tầm. Khuôn mặt vuông chữ điền, cơ thể săn chắc, nụ cười rạng rỡ của người con dân tộc Cor này luôn tạo cảm giác gần gũi, thân thiện. Ông Dương Lai cho biết, ông là người dân tộc Cor, sinh ra và lớn lên tại làng Kót, xã Trà Liên (cũ), nay là 2 xã: Trà Kót và Trà Nú, huyện Bắc Trà My.

“Tuổi thơ tôi được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống của làng, các làn điệu dân ca, âm vang các bài cồng chiêng, đam mê và yêu thích nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu của dân tộc mình. Nhờ chịu khó học hỏi, nên nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình, cứ thế đi vào tâm trí của tôi lúc nào chẳng hay” - Ông Dương Lai cho biết”.

Ông Lai nói: “Theo dòng chảy thời gian, do tác động của môi trường sinh sống và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền đã thay đổi quá nhiều, nên một bộ phận lớp trẻ dân tộc Cor ở trong thôn không còn yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống của tổ tiên, ông bà người Cor nữa. Nhiều người ở tuổi trung niên cũng thờ ơ với tiếng cồng chiêng, đan lát, nghệ thuật trang trí cây nêu, đến các loại đàn, sáo ta lía, kèn amáp... cũng không biết thổi, không biết đánh và không biết cách chế tác. Chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cứ dần mai một theo năm tháng trong chính đời sống của đồng bào, tôi buồn lắm. Vì yêu văn hóa của tổ tiên, ông bà người Cor, mà trong tâm khảm tôi luôn có ý nghĩ làm sao giữ được văn hóa dân tộc. Vì vậy, đối với tôi, công việc gìn giữ và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình không phải là chỉ nói rồi để đấy mà quan trọng là phải có những việc làm cụ thể để đánh thức nó dậy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với bản tính nhiệt tình, chân chất của người con dân tộc Cor, vào năm 1997 khi còn giữ chức Chủ tịch UBND xã Trà Kót, ông Dương Lai được cấp trên tin tưởng giao tham gia tổ chức lễ hội văn hóa địa phương. Thấy được thế mạnh của địa phương, hiểu rõ giá trị văn hóa của dân tộc mình, ông càng quyết tâm bảo tồn, phát huy và mang những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc hòa nhập vào dòng chảy chung của văn hóa các dân tộc Quảng Nam.

Từ những năm đầu khi Quảng Nam tái lập tỉnh, ông Dương Lai đã cùng với Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện những công trình nghiên cứu về văn hóa vật thể, phi vật thể của người Cor như: ”Văn hóa ẩm thực người Cor năm 1999”, “Nghi lễ cây nêu của người Cor năm 2004”; “Âm nhạc trong đời sống người Cor năm 2008”; “Lễ hội hội ăn trâu huê của người Cor năm 2013”; “Lễ phục dựng cây nêu và bộ gu người Cor năm 2014”, Chương trình Làng Việt “Người Cor ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam” cùng Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tháng 8-2006.

Ông Dương Lai luôn học hỏi, tìm tòi và trăn trở làm sao để bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Cor. Và những gì đang diễn ra ở ngôi làng người Cor là bài học cho sự phát triển bền vững của một cộng đồng cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ông đã mở lớp dạy chiêng và thành lập đội cồng chiêng thôn 2A (nay là thôn 1).

Cùng với đó, đội cồng chiêng của thôn luôn đại diện cho xã Trà Kót đi dự các kỳ liên hoan cồng chiêng ở khu vực Trung Trung bộ tại Phú Yên tháng 10-2009; Liên hoan cồng chiêng quốc tế tại tỉnh Gia Lai tháng 9-2011; Lễ hội Đường phố Hội An tháng 8-2014; tham gia định kỳ các Ngày hội văn hóa, thể thao các huyện miền núi Quảng Nam...

Hiện nay, thôn 1, xã Trà Kót có 145 hộ dân, trong đó 8 nghệ nhân nam đánh cồng chiêng, 15 nghệ nhân nữ múa ka đấu, 2 người chuyên đánh trống, 5 người diễn tấu các loại nhạc cụ như: Đàn vơró, đàn kađlóc, sáo ta lía. Cùng với đó, ông Dương Lai đã phối hợp với các trường học trên địa bàn, thông qua các lớp học do UBND xã Trà Kót phối hợp với đoàn thanh niên các trường học tổ chức, giúp truyền cảm hứng và lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Đam mê với nghệ thuật truyền thống, cho dù không có chế độ đãi ngộ gì nhưng với nhiệt huyết ấy, ông Dương Lai đã và đang tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương cho thế hệ trẻ. Vừa qua, ông là một trong những người dân tộc Cor đầu tiên tại huyện Bắc Trà My vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Sự tôn vinh này là niềm vinh hạnh lớn đối với ông với những cống hiến không ngừng nghỉ trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần làm đẹp cho cuộc sống, cho quê hương.

Văn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ton-vinh-dong-gop-cua-nghe-nhan-o-tra-kot-post435536.html