Tôn vinh điển hình vươn lên thoát nghèo

Tại Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèogiai đoạn 2016 - 2020; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc đã trao tặng Bằng khen cho 8 huyện; 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 21 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 30 hộ gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách giảm nghèo và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo…, công tác giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, đến năm 2017 xuống còn 6,7% (giảm bình quân 1,59%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017 (giảm bình quân 5,43%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 huyện ra khỏi danh sách các huyện nghèo

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình đã ghi nhận nhiều địa phương, hộ gia đình chủ động phát huy được thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.

Điển hình như huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), bằng nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông – lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao… Đến nay, Ba Bể đã trở thành 1 trong 8 huyện thoát nghèo. Hay như huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng. Tuy vậy, tận dụng lợi thế về đồi rừng, Tân Sơn đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông – lâm sản, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017 (giảm gần 40% so với 10 năm trước).

Cùng với những điển hình thoát nghèo của các huyện, các cá nhân tích cực vươn lên thoát nghèo cũng đã góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương, đồng thời tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Có thể kể đến các tấm gương như hộ gia đình chị Phạm Thị Tiết, dân tộc H’rê, thuộc thôn 1, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi từ việc tích cực lao động, sản xuất nâng cao thu nhập (lên 45 triệu đồng/năm) đã 2 lần viết đơn xin thoát nghèo.

Hay hộ gia đình chị H’Lan, sinh năm 1981, dân tộc Mạ, ở thôn 9, xã Quảng Khê (Đắk Glong, Đắk Nông). Có đất rẫy nhưng do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác nên gia đình gia đình chị H’Lan quẩn quanh với cái đói, cái nghèo. Được tiếp cận nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị H’Lan đầu tư thâm canh cà phê, hồ tiêu. Chăm chỉ làm ăn, cuối năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo. Với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm như hiện nay, gia đình chị H’Lan là một trong những hộ khá của thôn 9.

Hay hộ anh Trần Trung Kiên, sinh năm 1975, ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình, Yên Bái), cả hai vợ chồng sinh ra trong cảnh nghèo khó, lại đều bị tàn tật. Không cam chịu nghèo, năm 2014, từ 30 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, anh cùng vợ đầu tư chăn nuôi; tích lũy dần, anh trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả, trồng cây công nghiệp dài ngày. Năm 2016, từ hộ nghèo, gia đình anh xuống hộ cận nghèo; hết năm 2017 thoát hộ cận nghèo.

Tại Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các huyện, xã và các hộ gia đình được biểu dương đã có những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Những câu chuyện của họ là thông điệp lan tỏa, để ngày càng có nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân tích cực vươn lên thoát nghèo.

8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo là: Ba Bể (Bắc Kạn); Tân Sơn (Phú Thọ); Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu); Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La); Như Xuân (Thanh Hóa), Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Mai Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ton-vinh-dien-hinh-vuon-len-thoat-ngheo-110702.html