Tôn vinh bánh tráng phơi sương xứ Trảng

Ngày 20-12, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức sự kiện 'Tuần lễ văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng' lần II năm 2018, với chủ đề 'Bánh tráng phơi sương xứ Trảng', thu hút gần 10 nghìn du khách say mê ẩm thực tham dự.

Bánh tráng phơi sương xứ Trảng - món ngon khó quên khi đã thưởng thức.

Bánh tráng phơi sương xứ Trảng - món ngon khó quên khi đã thưởng thức.

NDĐT- Ngày 20-12, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức sự kiện “Tuần lễ văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” lần II năm 2018, với chủ đề “Bánh tráng phơi sương xứ Trảng”, thu hút gần 10 nghìn du khách say mê ẩm thực tham dự.

Nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức tại sự kiện, như: Nghệ nhân trình diễn thực tế nghề làm bánh tráng phơi sương; tổ chức chương trình biểu diễn sân khấu nghệ thuật; liên hoan ẩm thực bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; giới thiệu, trưng bày và tổ chức các tour du lịch trải nghiệm hái rau rừng trên sông Vàm Cỏ Đông; trưng bày, quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống; gian hàng thương mại, thủ công mỹ nghệ…

Đại diện UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: “Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món ăn đặc trưng của xứ Trảng Bàng, được lưu truyền và phát triển hơn một thế kỷ qua. Đặc trưng của bánh tráng phơi sương là hương vị không thể pha trộn và từ lâu đã trở thành hình ảnh thân quen, là món ăn không thể thiếu của người dân cũng như du khách đến Tây Ninh. Khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, các làng nghề làm bánh tráng phơi sương sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa. Đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm to lớn mà tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục quan tâm, tuyên truyền nhằm bảo tồn, phát huy, đưa thương hiệu bánh tráng xứ Trảng vươn xa”.

Tại Trảng Bàng, nghề làm bánh tráng phơi sương gồm nhiều công đoạn như một chu trình khép kín từ khâu các hộ nông dân chuyên xay bột gia công, các hộ khác làm nghề đan vỉ phơi bánh bán cho các “lò”, nhiều hộ lại xây lò tráng bánh, phơi bánh. Những người có vốn liếng thì thu mua bánh tráng đem về nướng, phơi sương, bán lại cho những quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Nhiều, với đặc thù xứ Trảng Bàng ngày nhiều nắng, đêm nhiều sương nên ngoài phơi nắng và nướng bánh tráng, nhiều hộ đã phơi bánh tráng dưới sương đêm cho mềm, dẻo. Công đoạn này chỉ kéo dài vài chục phút đến vài giờ tùy thời tiết. Bởi nếu phơi ít sương, bánh bị khô giòn, không cuốn với rau, thịt được, ngược lại, bánh sẽ bị nhão, dính khi phơi quá lâu.

Trung bình mỗi đêm, gia đình bà Nhiều phơi từ sáu đến tám nghìn bánh. Những lúc cao điểm, số lượng này tăng lên hơn 10 nghìn bánh. Mỗi thiên (một nghìn cái) bánh có lãi từ 15 đến 20 nghìn đồng.

Nghề làm bánh tráng được người dân Trảng Bàng thừa hưởng từ thời cha ông ở miền trung vào khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh, thế kỷ XVIII. Ban đầu là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, sau đã sáng tạo ra bánh tráng phơi sương. Bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc và ăn kèm với hàng chục loại rau rừng như quế vị, đinh lăng, lá xoài non, lá lộc vừng non, đọt trâm, đọt sộp, lá lụa, lá cóc... là món ngon khó quên đối với mỗi người con Nam Bộ.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38635102-ton-vinh-banh-trang-phoi-suong-xu-trang.html