Tôn trọng và phát huy vai trò của người cao tuổi

QĐND - Từ Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013, đạo luật cơ bản của Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có một bước tiến to lớn khi quy định quyền con người, trong đó lần đầu tiên, quyền của người cao tuổi được xác lập hoàn chỉnh.

Khoản 3, Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đây là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta đề cập đến quyền của người cao tuổi với nội dung toàn diện, phản ánh đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác người cao tuổi trong xu thế chung của thế giới và nước ta là già hóa dân số đang là hiện tượng phổ biến, mang tính toàn cầu, các nước phải có những chính sách thích hợp để kịp thời đối phó với xu thế đó. Đây là sự kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách hơn bảy thập kỷ qua của Đảng và Nhà nước ta về công tác người cao tuổi.

Người cao tuổi Hà Nội thi đồng diễn thể dục.

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người cao tuổi nước ta chiếm 8,099% tổng dân số cả nước, chỉ số già hóa dân số của Việt Nam tăng từ 24,3% lên 35,5% do tỷ lệ người cao tuổi tăng, trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh trong thập kỷ qua. Kết quả này cũng cho thấy, hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng”.

Cập nhật kết quả điều tra dân số các năm sau đó (2010, 2011, 2012), tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ngày càng tăng nhanh, đến ngày 31-12-2012, người cao tuổi ở Việt Nam đã đạt 9 triệu, chiếm 10,02% dân số. Tổng cục Thống kê dự báo, thời kỳ già hóa dân số ở nước ta sẽ diễn ra sau năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2017, thời gian để Việt Nam chuyển sang cơ cấu dân số già quá ngắn, chỉ mất khoảng 20 năm, ít hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Quá trình này tại Pháp là 115 năm (1865-1980), Thụy Điển 85 năm (1890-1975), Mỹ 69 năm (1944-2013), Ca-na-đa 65 năm (1944-2009), Hung-ga-ri 53 năm (1941-1994), Ba Lan 47 năm (1966-2013), Anh 45 năm (1930-1975) ...

Thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hơn ba thập kỷ qua, Nhà nước ta đã ban hành hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp quy đã ban hành từng bước tạo dựng được hệ thống chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xác định được mục tiêu của người cao tuổi là sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Luật Người cao tuổi đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23-11-2009, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng quý giá, một lực lượng xã hội quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân, quy định các chính sách cụ thể về chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội. Thi hành Luật Người cao tuổi, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi. Cụ thể hóa Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, theo chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi.

Ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1781/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020, trong đó xác định 9 hoạt động chủ yếu: “Hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi; Hoạt động chăm sóc sức khỏe; Hoạt động chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần; Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi; Hoạt động nâng cao đời sống vật chất; Hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng; Hoạt động phát triển các cơ sở chăm sóc và nhà ở đối với người cao tuổi; Hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, giám sát, đánh giá nghiên cứu về những vấn đề liên quan người cao tuổi; Hoạt động chủ động chuẩn bị cho tuổi già".

Hiến pháp năm 2013 được thông qua đã hình thành nên một hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh từ đạo luật cơ bản, đến các chính sách cụ thể bảo đảm đầy đủ quyền cho người cao tuổi.

Chấp hành pháp luật, trong thực tiễn, công tác người cao tuổi cũng được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm ngày càng chu đáo. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội quan tâm. Hiện nay, 1,4 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và các trợ cấp xã hội đã được hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng từ ngân sách Nhà nước. Nhiều địa phương, cơ sở đã quan tâm tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập sổ sách theo dõi sức khỏe người cao tuổi, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuôc miễn phí cho hàng triệu người cao tuổi, quan tâm phát triển các hoạt động văn hóa tinh thần cho người cao tuổi, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, tâm linh đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi. Đến nay, cả nước có 58.099 câu lạc bộ người cao tuổi các thể loại hết sức phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thu hút gần 2,6 triệu người cao tuổi tham gia. Nhiều vụ xâm phạm thân thể, tính mạng, tài sản của người cao tuổi đã bị nghiêm trị theo pháp luật.

Do khả năng kinh tế đất nước còn có hạn, nhiều chính sách đối với người cao tuổi đã được xây dựng nhưng chưa có điều kiện thi hành, nhưng với một hệ thống pháp luật bảo đảm đầy đủ quyền của người cao tuổi, chắc chắn kinh tế đất nước càng phát triển, người cao tuổi càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi về kinh tế hơn, tính mạng, tài sản của người cao tuổi sẽ được pháp luật bảo vệ chặt chẽ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ngày càng vững chắc hơn.

Bài, ảnh: LÊ LIÊN

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/ton-trong-va-phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-cao-tuoi/326665.html